Tin tức âm nhạc

ÂM NHẠC THỜI PHỤC HƯNG (Thế kỷ XIV - XV - XVI)

ÂM NHẠC THỜI PHỤC HƯNG (Thế kỷ XIV - XV - XVI)

Thời đại phục hưng trong lịch sử nghệ thuật Tây Âu kéo dài trong ba thế kỷ XIV - XV và XVI. Nghệ thuật phục hưng được ra đời trong ý nghĩa nhằm khôi phục lại những giá trị văn hóa thời cổ đại trước đó, những giá trị này trong một thời gian dài của thời kỳ trung cổ đã bị quên lãng bởi chế độ hà khắc của xã hội phong kiến và các thế lực nhà thờ. Đây là một thời kỳ phát triển rực rỡ của các loại hình nghệ thuật cùng với sự xuất hiện của những đại biểu xuất sắc như: Đantê(Ý 1265-1321), Rabơle(Pháp 1494-1553), Xécvăngtét(Tây ban nha 1547-1616), Sếchxpia(Anh 1564-1616)(Văn học),Lêônácđô đơ Vanhxi (Ý 1452-1519), Mikenlăngiơ(Ý 1475 -1564), Raphaen (Ý 1483-1520)(Hội họa), Nicôla Côpecnich(Ba lan 1473-1543), Gioócđanô Brunô(Ý 1548-1600),Galilê(Ý 1564-1642)(Thiên văn học)...

Vậy đâu là những tác phẩm âm nhạc của thời phục hưng có thể sánh ngang tầm với các loại hình nghệ thuật khác. Một câu hỏi không dễ trả lời được! So với các loại hình nghệ thuật khác thì âm nhạc là một loại hình mang tính trừu tượng hơn cả. Bởi vậy âm nhạc cũng thường tỏ ra chậm chạp hơn so với các loại hình nghệ thuật khác bởi nó còn phải chờ đợi những người đột phá đầu tiên. Lịch sử cũng đã cho ta thấy điều đó: trong chủ nghĩa cổ điển, văn học đã đi trước âm nhạc cả một thế kỷ; sau khi thơ ca lãng mạn đã đạt tới độ trưởng thành gần nữa thế kỷ thì âm nhạc lãng mạn mới đi những bước đầu tiên; những bức tranh theo trường phái ấn tượng của Mane, Rơnoa... đã quen thuộc với người dân Pari qua một phần tư thế kỷ thì những bản nhạc của Đebussy mới được coi là những tác phẩm âm nhạc ấn tượng.

Như vậy càng ngược về quá khứ thì sự chậm chạp của âm nhạc càng đáng kểhơn. Âm nhạc thời phục hưng đi những bước đi non trẻ đầu tiên từ thế kỷ XIV và chỉ đạt những thành tựu xuất sắc sánh ngang với các loại hình nghệ thuật khác thì phải chờ đến thế kỷ XVII và XVIII với các tên tuổi như Handel(1685-1759), Bach(1685 -1750), Haydn(1732-1809), Mozart(1756-1791), Beethoven(1770-1827)...

Tóm lại, với danh nghĩa làm sống lại nội dung tư tưởng cao cả và hình thức cân đối hoàn mỹ của thời cổ đại, âm nhạc thời phục hưng tuy có chậm chạp hơn, nhưng cuối cùng vẫn đạt được những đỉnh cao tương xứng sánh ngang với các loại hình nghệ thuật khác.

Ở thời phục hưng âm nhạc dân gian đã được đơm hoa kết trái sau khi đã trải qua một “đêm dài” của thời kỳ trung cổ. Trong lịch sử âm nhạc thế giới, lúc nào âm nhạc dân gian cũng là mảnh đất màu mỡ, là nguồn sữa mẹ bất tận, là những chất liệu âm nhạc dồi dào để cho các nhạc sĩ dựa vào đó sáng tạo nên những tác phẩm âm nhạc vô giá.

Vào thời phục hưng, âm nhạc dân gian nói riêng và âm nhạc thế tục nói chung đã có vị trí vững vàng. Nhưng cũng không phải vì thế mà ta gạt bỏ những thành tựu nhấtđịnh của âm nhạc nhà thờ vào thời kỳ này. Trãi qua hơn một nghìn năm tồn tại, nhạc nhà thờ đã tạo nên những hình thức, những thủ pháp, trở thành những ngôn ngữ quen thuộc của quãng đại quần chúng; người nghệ sĩ không thể không dùng ngôn ngữ ấy để làm tiếng nói chung để “trao đổi” với thính giả của mình. Việc đưa nội dung mới vào hình thức cũ như thế vốn là một hiện tượng luôn thấy trong nghệ thuật. Người nhạc sĩ thường đi tìm những hình thức có quy mô lớn để diễn tả các nội dung với tầm tư tưởng lớn. Nhiều hình thức của nhạc nhà thờ như:Mexa, Cantat... đã đáp ứng được nhu cầu đó. Hơn nữa cũng có nhiều nhạc sĩ chính phái của nhà thờ như: Palext’rina, Gabrien ... giờ đây viết những tác phẩm ấy không phải chỉ để phục vụ cho nhà thờ mà còn là để biễu diễn trong các phòng hòa nhạc thế tục. Ngay cả khi sử dụng hình thức và nội dung cũ thì các nhạc sĩ của thời kỳ này vẫn thể hiện được trong tác phẩm của mình một chủ nghĩa nhân đạo cao cả. Hình ảnh Đức Mẹ và thánh Hài Đồng trong tranh của Raphaen phải chăng cũng làm ta xúc động như hình ảnh của người đàn bà Ý bình dị, dịu dàng; tác phẩm “Sự khổ hạnh của Chúa” của Bach cũng làm ta đồng cảm như nỗi khổ của chính con người trên trần gian này. Vì vậy nếu bỏ qua âm nhạc nhà thờ với các khía cạnh như trên là bỏ đi một bộ phận quý giá của âm nhạc thời phục hưng.

Mối quan hệ giữa nhạc sĩ và quần chúng đòi hỏi sự cấp thiết phải có tín hiệu và phương tiện thông tin. ở thế kỷ XVI hệ thống nhạc tự(lối ghi và đọc nhạc) đã trở nên tương đối hoàn chỉnh và kỷ thuật in nhạc cũng được hoàn thiện vào thế kỷ XVII.

Tất cả những điều vừa nêu ở trên đã kích thích sự đua nở nhanh chóng mọi trường phái, mọi hình thức thủ pháp, mọi phong cách âm nhạc. Thời đại phục hưng đã tiếp thu có chọn lọc những thành quả của các thời đại trước để phát huy và sáng tạo thành những cơ sở cho mọi nhân tố âm nhạc, để các thời đại về sau và cho tới ngày nay nghiên cứu, học hỏi, sử dụng. Ở đây ta đã có được mọi thể loại âm nhạc, từ phong cách phức điệu nghiêm khắc và tự do, các điệu thức trưởng, thứ, nguyên và hóacho đến các tiết tấu đơn giản và phức tạp, các chuyển điệu, các công năng hòa âm - đó là bảng liệt kê không đầy đủ những qui tắc cơ bản của khoa học âm nhạc mà cho đến ngày nay vẫn tiếp tục được lưu truyền trong các nhạc viện, các trường phái âm nhạc.

Âm nhạc thời phục hưng bắt đầu từ phong trào “nghệ thuật mới” do nhà lý luận nổi tiếng người Pháp là Ph.Vit’ri đề xướng khoảng năm 1530, nhằm đã phá lối hát nhiều bè theo lối cũ và thay vào đó bằng lối viết đối vị tự do hơn. Những người theo trường phái “nghệ thuật mới” cấm đường chuyển động các bè theo quãng năm và tám song song, họ cho lối chuyển động này tạo ra một hiệu quả trống rỗng, nghèo nàn trong tác phẩm. Thay vào đó họ đề cao lối chuyển động các bè theo quãng ba song song vốn đã được sử dụng từ lâu trong âm nhạc dân gian và âm nhạc chuyên nghiệp thế tục.Ởnhững chổ kết, người ta thường dùng cả hai âm dẫn tới bậc V và bậc I. Với những cải cách nhiều mặt như vậy, âm nhạc của phái “nghệ thuật mới” tỏ ra tinh tế và nhiều sức diễn cảm hơn so với trước .

Mới nhìn, ta tưởng như trường phái “nghệ thuật mới” chỉ đấu tranh cho mộtthủ pháp có tính chất hình thức, nhưng về thực chất đó là cuộc đấu tranh về tư tưởng thẩm mỹ mới của những lực lượng tri thức tiên tiến lúc bấy giờ nhằm chống lại những qui chế lỗi thời của nhạc nhà thờ. Nhờ thế, từ một đốm lửa nhỏ bé lập tức nó đã nhóm bùng lên thành những bó đuốc khổng lồ không những ở Pháp, mà còn lan ra ở Ý, Tây Ban Nha, Đức, Anh, Ba Lan, Séc ... sự lan rộng của “nghệ thuật mới” chứng tỏ rằng, mảnh đất âm nhạc của thời phục hưng được mở rộng rất nhiều so với âm nhạc thời trung cổ. 

 

Bài viết liên quan

CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN THẾ KỶ XIX
Tin tức âm nhạc

CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN THẾ KỶ XIX

Sau cách mạng tư sán Pháp 1789, lịch sử các dân tộc ở châu...
NHẠC KỊCH THẾ KỶ XVIII
Tin tức âm nhạc

NHẠC KỊCH THẾ KỶ XVIII

Sang thế kỷ XVIII nhạc kịch phát triển theo những chiều hướng mới. So...
CHỦ NGHĨA CỔ ĐIỂN VIENNA
Tin tức âm nhạc

CHỦ NGHĨA CỔ ĐIỂN VIENNA

Vào thế kỷ XVIII nước Áo là một nước quân chủ phong kiến chuyên...
ÂM NHẠC TRONG THẾ KỶ XVII VÀ NỬA ĐẦU THẾ KỶ XVIII SỰ HÌNH THÀNH CỦA NỀN NHẠC KỊCH VÀ KHÍ NHẠC Ý
Tin tức âm nhạc

ÂM NHẠC TRONG THẾ KỶ XVII VÀ NỬA ĐẦU THẾ KỶ XVIII SỰ HÌNH THÀNH CỦA NỀN NHẠC KỊCH VÀ KHÍ NHẠC Ý

Lịch sử thế giới của thế kỷ XVII diễn ra với những cuộc đấu tranh giai cấp...
ÂM NHẠC THỜI TRUNG CỔ ( Thế kỷ V - XIII )
Tin tức âm nhạc

ÂM NHẠC THỜI TRUNG CỔ ( Thế kỷ V - XIII )

Lịch sử của thời trung cổ đó là lịch sử của chế độ phong kiến,...
NHỮNG NỀN ÂM NHẠC TIÊU BIỂU CỦA THỜI CỔ ĐẠI
Tin tức âm nhạc

NHỮNG NỀN ÂM NHẠC TIÊU BIỂU CỦA THỜI CỔ ĐẠI

Sau khi xã hội nguyên thủy tan rã, vào cuối thiên niên kỷ...
ÂM NHẠC THỜI NGUYÊN THỦY - CỔ ĐẠI
Tin tức âm nhạc

ÂM NHẠC THỜI NGUYÊN THỦY - CỔ ĐẠI

Việc tìm ra nguồn gốc âm nhạc so với các bộ môn nghệ thuật...