Tin tức âm nhạc

ÂM NHẠC THỜI TRUNG CỔ ( Thế kỷ V - XIII )

ÂM NHẠC THỜI TRUNG CỔ ( Thế kỷ V - XIII )

Lịch sử của thời trung cổ đó là lịch sử của chế độ phong kiến, một chế độ xã hội phổ biến nhất trong lịch sử loài người. Chế độ phong kiến tàn bạo và những kỷ cương hà khắc của tôn giáo đã để lại cho thời kỳ trung cổ những trang sử đen tối. Đó là những cuộc xâm lược tranh giành đất đai giữa các quốc gia, là những cuộc “Thập tự chinh” từ Tây sang Đông gây ra bao cảnh chết chóc, ly tán (cuộc chiến “Thập tự chinh” do Giáo Hoàng Roma phát động diễn ra từ TK XI - XIII, với 8 lần quân phương Tây sang chinh phục phương Đông nhưng hoàn toàn thất bại). Bên cạnh đó lại có những cuộc chinh phục ngược trở lại của phương Đông sang phương Tây mà tiêu biểu là đội quân Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn với chính sách giết sạch, phá sạch đã biến một vài quốc gia châu Âu thành đống tro tàn, đổ nát. Nhưng chiến tranh và những thế lực đen tối của chế độ phong kiến cũng như tôn giáo đã không ngăn cản được những cuộc nổi dậy của quần chúng bị áp bức. Giàn lửa thiêu, tù đày và gươm giáo vẫn không ngăn cản được những bộ óc luôn tìm đến với khoa học để tìm ra chân lý, không ngàn cản được những trái tim yêu cuộc sống vẫn cất lên lời thơ, tiếng hát để ngợi ca các giá trị nhân văn cao đẹp của con người.

Hơn một nghìn năm của thời kỳ trung cổ, nghệ thuật âm nhạc tuy phát triển có chậm chạp nhưng vẫn đạt được những thành tựu đáng kể. Đó là các chủ đề nội dung và các chất liệu hình thức luôn được mở rộng. Các trung tâm âm nhạc mới cũng được xuất hiện như Bidantin, Xlavơ... với những thành tựu đa dạng về các mặt như sáng tác, biễu diễn, giáo dục, nghiên cứu và chế tạo nhạc cụ.

Lúc này các nước Tây Âu cùng chịu ảnh hưởng về một tôn giáo đó là đạo Thiên chúa. Đạo Thiên chúa có một tổ chức âm nhạc khá cao trong việc tận dụng lợi khí của loại hình nghệ thuật này. Trong thời trung cổ chỉ có nhà thờ mới có các dàn hợp xướng, dàn nhạc lớn, những trung giáo dục âm nhạc chính qui. Chỉ ở đây mới có điều kiện biễu diễn những tác phẩm âm nhạc qui mô lớn, đào tạo được những nhạc sĩ chuyên nghiệp cơ bản. Chính những nhạc sĩ này về sau đã có những hành động chống lại sự cản trở đàn áp của nhà thờ để góp phần xây dựng một nền nghệ thuật âm nhạc chuyên nghiệp thế tục hùng mạnh.

Âm nhạc dân gian thời trung cổ chỉ để lại một số bài bản ít ỏi, nhưng vẫn toát lên một nét chân thực, lạc quan của nó trong sự miêu tả tình yêu con người và thiên thiên, lòng căm thù bọn địa chủ thống trị, ca ngợi sự cần cù trong lao động cũng như đức tính kiên cường bảo vệ quê hương xứ sở của người dân lao động. Lúc đầu âm nhạc nhà thờ cũng bị ảnh hưởng bởi âm nhạc dân gian, nhưng về sau nhà thờ bắt đầu bài trừ triệt để âm nhạc dân gian. Ankuin - một cha cố đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu âm nhạc đã dạy các con chiên: “Người tiếp đón bọn hát hỏng, đóng kịch câm và nhảy múa vào nhà đâu có biết như vậy là mở cửa cho những linh hồn tội lỗi đi theo với chúng”. Dấu thăng bậc VII rất hấp dẫn trong điệu thứ của âm nhạc dân gian được nhà thờ coi là âm thanh của quỷ Xa tăng. Tuy nhiên âm nhạc dân gian với sự phong phú về nội dung và hấp dẫn về thể loại, điệu thức, tiết tấu... vẫn có một sức sống mãnh liệt. Người tụ tập nghe hát ở chợ vẫn đông hơn người tụng kinh nghe nhạc trong nhà thờ. Nhiều vị cha cô thực tiễn hơn đã đưa một số giai điệu của dân gian vào trong kinh thánh để dụ con chiên.

Lúc này âm nhạc chuyên nghiệp bình dân vẫn tiếp tục phát triển, những người hát rong vẫn cất lên tiếng đàn, giọng hát của mình để nói lên những niềm vui, sự bất hạnh của mình trong cuộc sống. Bên cạnh đó còn có những bài hát ca ngợi lòng nhân từ, lên án sự áp bức, cường bạo của giai cấp bóc lột trong xã hội phong kiến.

Thời kỳ trung cổ với sự xuất hiện của tầng lớp hiệp sĩ, họ là những người lính đã tham gia vào trong cuộc “Thập tự chinh”(cuối TK XI). Tầng lớp này đã tạo ra một dòng âm nhạc riêng, được gọi là dòng âm nhạc hiệp sĩ. Đại biểu của dòng âm nhạc này là những nghệ sĩ lang thang mà ở Pháp gọi là Trubadua, họ xuất thân từ nhiều thành phần khác nhau: là những nhà quý tộc, những quốc vương, bá tước, thương gia, thầy tu... Âm nhạc của họ gần gũi với âm nhạc dân gian và âm nhạc chuyên nghiệp, bình dân (những người hát rong), vì họ được sống trong những lâu đài ở chốn thôn quê, dân dã, giữa những bài dân ca, dân vũ của người nông dân. Rong ruỗi theo cuộc “Thập tự chinh”, họ đi từ miền quê này đến miền quê khác, hết Đông Âu, Tiểu Á, sang Phi Châu, rồi đất thánh Giêrusalem... nên âm nhạc của tầng lớp hiệp sĩ rất phong phú, lại mang nhiều nét độc đáo của nhiều địa phương khác nhau. Nội dung chủ yếu của dòng âm nhạc tầng lớp hiệp sĩ phần nhiều dành cho ca ngợi tình yêu lứa đôi, các câu chuyện thần thọai, tiếp đến là những đề tài khác như: ca ngợi chiến công, chán ghét cuộc đời, xã hội, diễu cợt bông đùa, đề cao những người thuộc tầng lớp “hạ đẳng” nhưng thông minh, hoặc mạt sát bọn “thượng cấp” nhưng đê tiện, ngu xuẩn.

Các tác phẩm của dòng âm nhạc hiệp sĩ rất đa dạng, về bố cục có thể chia làm hai loại: 1) Giai điệu mang tính cân phương, khúc chiết như nhạc múa dân gian. 2) Giai điệu mang tính ngâm vịnh,tự do. ở loại nào thì cũng sử dụng nguyên tắc biến tấu, bè đệm lại phong phú nhiều khi có cả yếu tố tả cảnh, minh họa. Sau đây là một thí dụ về âm nhạc thời trung cổ.

Thời trung cổ, các nhà thờ ở Tây âu là chỗ dựa vững chắc cho chế độ phong kiên; nó thực hiện một chính sách chuyên chế trong khoa học và nghệ thuật: Mọi công trình khoa học, mọi tác phẩm nghệ thuật kiến trúc, hội họa, âm nhạc đều phải nhằm mục đích ca ngợi đức Chúa tối cao, tất cả đều phải chịu sự chi phối của nhà thờ. “Đêm dài trung cổ” trùm lên ánh sáng trí tuệ và tình cảm tự do của thời cổ đại, nhưng ánh sáng đó không bị xóa tan, nó vẫn sống tiềm tàng trong mọi thời kỳ lịch sử.

“Đêm dài trung cổ” là thời kỳ đấu tranh dai dẳng, gay go và quyết liệt giữa khát khao chân lý và đức tin cuồng tín, mù quáng, giữa sự đề caọ tình cảm và sự chà đạp nhân tính. Lịch sử âm nhạc nhà thờ thời trung cổ là lịch sử vật lộn giữa sự thâm nhập và chống thâm nhập của nhạc thế tục (âm nhạc dân gian và âm nhạc chuyên nghiêp), vật lộn giữa sáng tạo cải cách và chống lại sáng tạo cải cách của các nhạc sĩ tài năng.

Đến thế kỷ XIV - XV chế độ phong kiến và thế lực nhà thờ bước vào thời kỳ suy tàn, cũng là lúc nền văn hóa hiệp sĩ suy sụp và châm dứt thời kỳ độc tôn của nền văn hóa tu viện Thiên chúa giáo. Lúc này các đô thị mọc lên ngày càng nhiều và chiếm một vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị, để ngay từ thế kỷ XIII, một lối sinh hoạt văn hóa của nó cũng ra đời, đó là sinh hoạt văn hóa thành phố.

Nếu dòng âm nhạc của những người hiệp sĩ với tiếng đàn, giọng hát được cất lên giữa chốn thiên nhiên bao la yên tĩnh hay trong những lâu đài cổ kính, người nhạc công trong các nhà thờ phải tạo ra những âm thanh trang nghiêm để tôn sùng đấng tối cao; thì người nhạc sĩ của thành phố lại phải thích ứng với lối sống ồn ào, náo nhiệt giữa những cảnh tượng trái ngược nhau: giàu sang và nghèo nàn, sang trọng và đói rách. Và ngọn nguồn âm nhạc đầu tiên của họ vẫn là âm nhạc dân gian.

Lúc này âm nhạc dân gian cũng có những ảnh hưởng của cuộc sống thành phố.Đó là những người nông dân nghèo khổ từ thôn quê kéo nhau lên thành phố sinh sống, bởi họ không chịu được những sự bóc lột hà khắc của những tên chúa đất. Hành trang của họ mang theo còn có những bài dân ca của tổ tiên để lại, tuy nhiên bởi chịu ảnh hưởng của cuộc sống thành phố nên những bài ca đó cũng có những biến đổi ít nhiều, lời ca cũng được bổ sung thêm nhiều đề tài mới.

Sau âm nhạc dân gian là âm nhạc chuyên nghiệp bình dân của những người hát rong sống tập trung trong các xóm phố hoặc nhóm họp với nhau theo từng phường hội. Tiếng đàn, tiếng hát của họ tỏa đi khắp nơi: Chốn chợ búa đông người, nơi ma chay, cưới hỏi. Những bài ca của họ không chỉ ca ngợi về tình người mà còn là những vấn đề nóng bỏng của xã hội, chế diễu bọn quyền quý giàu sang, kêu gọi sự phản kháng, nổi loạn. Lúc này chính quyền của cả bên đời lẫn bên đạo đều dùng đủ mưu kế để hãm hại, bắt bớ họ, nhưng cái thời vương bá ấy của chính quyền cũng đã qua rồi. Các nghệ sĩ tự do đã nói lên được những vấn đề của xã hội đang được mọi người quan tâm nên họ luôn luôn được quần chúng che chở, bảo vệ. Đội ngũ của họ được tăng cường bởi những quan chức bất mãn, những nhạc công rời bỏ các dinh thự và nhà thờ,là những thầy tu phá giới và cả các nghệ sĩ tự do khác. Âm nhạc của họ được tiếp thu từ âm nhạc các hiệp sĩ nhưng ngọn nguồn chủ yếu vẫn là âm nhạc dân gian và âm nhạc chuyên nghiệp bình dân.

Âm nhạc Tây Âu thời trung cổ có những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực nghiên cứu âm nhạc mà quan trọng nhât là công việc hoàn thiện lối ghi, lối đọc nhạc và việc hệ thống hóa các điệu thức.

Một trong những lối ghi nhạc đầu tiên xất hiện đó là lối ghi Nơm (Neuma - dấu hiệu), phỏng theo những dấu chỉ trọng âm mạnh, vừa và nhẹ của văn phạm thời Alexanđrôt kết hợp với dấu gợi hình động tác của người chỉ huy để tạo giai điệu trầm bổng. Tuy nhiên lối ghi này vẫn có những hạn chế và không bằng một lối ghi mới xuất hiện, đó là lối ghi của Guy-đô(995-1050). Guy-đô có sáng kiến đặt tên gọi các âm thanh. Ông nói: Vì giai điệu hát chỉ gồm một số âm không nhiều lắm nên trước hết cần phải nhớ lấy các âm đó tới mức có thể nhận biết và phân biệt được chúng. Để ghi nhớ được như thế, ông chọn một bài Him “cầu nguyện thánh Giôan” có phần lời hát như sau:

Ut queant lascis 

Resonnare fibris 

Mira gestorum 

Famuli tuorum 

Solve poluti 

Labii rearem 

Sancte Iohanes

Bài Him này có đặc điểm là những vần thứ nhất của sáu câu thơ đầu tiên được phổ bằng các âm thanh ngày càng cao hơn một cung (riêng câu thứ tư cao hơn câu thứ ba nữa cung Fa-Mi). Guy-đô quyết định lấy các vần thứ nhất để đặt tên cho các âm thanh. Kết quả ông có tên gọi của sáu âm thanh theo thứ tự: Ut - Re - Mi - Fa - Son - La. Các âm này được ghi trên năm đường ngang, mỗi đường ngang có một màu sắc khác nhau để phân biệt. Đối với chúng ta ngày nay, phát kiến của Guy-đô còn đơn giản, nhưng về sau được công chúng công nhận và ứng dụng rộng rãi, nên phát kiến này trở thành bước ngoặt mở ra một kỳ mới trong lịch sử âm nhạc: thời kỳ có lối ghi nhạc mang tính chất thế giới.

Cuối thế kỷ XVII, Anxen ở Phlanđri ghép các chữ cái đầu tiên ở hai chữ “Sancte Iohanes” trong câu thứ bảy của bài Him “cầu nguyện thánh Giôan” là S và I thành Si để đặt tên cho âm cao hơn âm la một cung.

Năm 1675 trong luận án “Âm nhạc thực hành”, Đonôntrini đã đổi tên gọi âm Ut (vì khó đọc và không vang) thành âm Do.

Như vậy đến thế kỷ XVII, lối ghi nhạc của Guy-đô mới có được bộ mặt về cơ bản giống như ngày nay và tạm được gọi là lối ghi trên khuông nhạc gồm năm đường ngang hay gọi vắn tắt là lối ghi trên khuông nhạc với các âm thanh có tên gọi: Do - Re - Mi - Fa - Son - La - Si.

Các điệu thức thời trung cổ được đặt tên theo tên gọi của các điệu thức Hy Lạp cổ đại nhưng về bản chất thì khác.

Như vậy các lối ghi nhạc, đọc nhạc cũng như hệ thống điệu thức thời trung cổ phản ánh tới mức cao nhất sự phát triển của lối ghi nhạc một bè, nhất là trong các lĩnh vực âm nhạc dân gian thế tục (bình dân và quý tộc). Mặc dầu trong bao thế kỷ trước, âm nhạc dân gian cũng như âm nhạc chuyên nghiệp(kể cả nhạc nhà thờ), đã có những hiện tượng phôi thai của nhạc nhiều bè, nhưng đại đa số quần chúng chưa đòi hỏi và không có phản xạ trước hiện tượng còn mới mẻ này. Có lẽ âm nhạc nhiều bè còn non trẻ nên khó gây được sự chú ý, trong khi đó âm nhạc một bè thì đang ở thời kỳ phồn thịnh của sự phát triển.

Nhưng tới khoảng giữa thế kỷ XV thì trình độ nhận thức âm nhạc đã thay đổi tới mức nhạc nhiều bè trở nên một tiếng nói tình cảm của mọi người và giữ một vị trí độc tôn trong nhiều thế kỷ về sau. Như vậy nhạc nhiều bè đã được phôi thai từ thời trung cổ để rồi đến thời phục hưng nó được trưởng thành. Gốc tích của nhạc nhiều bè là từ dân gian, mà sớmnhất là từ âm nhạc dân gian của các bộ tộc người Ken ở Anh.

Nhưng không phải chỉ duy nhất người Ken mới có lối hát nhiều bè. Những chiếc kèn và cây đàn gẩy có một số âm trì tục luôn đệm theo giai điệu của bè chính cũng là nguồn gốc của nhạc nhiều bè. Sau đây là một số thể loại phôi thai của nhạc nhiềụ bè thời trung cổ:

- Cocganum: Hát hai bè cách nhau quãng bốn hoặc quãng năm(thường thấy trong các thế kỷ IX - XIII)

- Gimen: Hát hai bè cách nhau quãng ba(lối hát cổ xưa của người Ken).

- Phobuocdon: Có ba bè song song, bè trên với bè giữa cách nhau quãng bốn, bè giữa với bè dưới cách nhau quãng ba. Kết quả bè dưới nghe nghịch hơn vì người trung cổ cho quãng ba là quãng nghịch(bốn, năm, tám là thuận). Chính vì vậy loại hát này có tên gọi là Phobuocdon(bè hát không chuẩn). Phobuocdon xuất hiện ở Anh vào thế kỷ XIII, được dùng rộng rãi trong nhà thờ.

- Đixcan: Có bè gốc dưới cùng hát giai điệu cơ bản, trong khi bên trên có nhiều bè hát các giai điệu theo các quãng ngược chiều. Sau đây là một vài ví dụ các thể loạihát nhiều bè trên.

Sự xuất hiện các thể loại phôi thai của nhạc nhiều bè thời trung cổ là một thành quả không kém rực rỡ so với lối ghi nhạc của Guy-đô. Nó đánh dấu một bước phát triển mới của âm nhạc thời trung cổ. Là những hạt giống sẽ đơm hoa kết trái vào thời phục hưng sắp tới.

Bài viết liên quan

CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN THẾ KỶ XIX
Tin tức âm nhạc

CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN THẾ KỶ XIX

Sau cách mạng tư sán Pháp 1789, lịch sử các dân tộc ở châu...
NHẠC KỊCH THẾ KỶ XVIII
Tin tức âm nhạc

NHẠC KỊCH THẾ KỶ XVIII

Sang thế kỷ XVIII nhạc kịch phát triển theo những chiều hướng mới. So...
CHỦ NGHĨA CỔ ĐIỂN VIENNA
Tin tức âm nhạc

CHỦ NGHĨA CỔ ĐIỂN VIENNA

Vào thế kỷ XVIII nước Áo là một nước quân chủ phong kiến chuyên...
ÂM NHẠC TRONG THẾ KỶ XVII VÀ NỬA ĐẦU THẾ KỶ XVIII SỰ HÌNH THÀNH CỦA NỀN NHẠC KỊCH VÀ KHÍ NHẠC Ý
Tin tức âm nhạc

ÂM NHẠC TRONG THẾ KỶ XVII VÀ NỬA ĐẦU THẾ KỶ XVIII SỰ HÌNH THÀNH CỦA NỀN NHẠC KỊCH VÀ KHÍ NHẠC Ý

Lịch sử thế giới của thế kỷ XVII diễn ra với những cuộc đấu tranh giai cấp...
ÂM NHẠC THỜI PHỤC HƯNG (Thế kỷ XIV - XV - XVI)
Tin tức âm nhạc

ÂM NHẠC THỜI PHỤC HƯNG (Thế kỷ XIV - XV - XVI)

Mối quan hệ giữa nhạc sĩ và quần chúng đòi hỏi sự cấp thiết...
NHỮNG NỀN ÂM NHẠC TIÊU BIỂU CỦA THỜI CỔ ĐẠI
Tin tức âm nhạc

NHỮNG NỀN ÂM NHẠC TIÊU BIỂU CỦA THỜI CỔ ĐẠI

Sau khi xã hội nguyên thủy tan rã, vào cuối thiên niên kỷ...
ÂM NHẠC THỜI NGUYÊN THỦY - CỔ ĐẠI
Tin tức âm nhạc

ÂM NHẠC THỜI NGUYÊN THỦY - CỔ ĐẠI

Việc tìm ra nguồn gốc âm nhạc so với các bộ môn nghệ thuật...