Tin tức âm nhạc

ÂM NHẠC TRONG THẾ KỶ XVII VÀ NỬA ĐẦU THẾ KỶ XVIII SỰ HÌNH THÀNH CỦA NỀN NHẠC KỊCH VÀ KHÍ NHẠC Ý

ÂM NHẠC TRONG THẾ KỶ XVII VÀ NỬA ĐẦU THẾ KỶ XVIII SỰ HÌNH THÀNH CỦA NỀN NHẠC KỊCH VÀ KHÍ NHẠC Ý

Lịch sử thế giới của thế kỷ XVII diễn ra với những cuộc đấu tranh giai cấp bi thảm để vứt bỏ những trở ngại, ngăn cản sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa nhân đạo và nền dân chủ. Sự tồn tại đồng thời các mối quan hệ phong kiến và tư bản - tư sản chủ nghĩa quyết định những đặc điểm trong cuộc sống chính trị - xã hội của các nước Tây - Âu trong thế kỷ XVII cũng như tính chất nền văn hóa của những nước này. Một vài nước như Anh, Pháp, Tây Ban Nha đã được thống nhất và trở thành những nước có nền quân chủ chuyên chế. Bởi giai cấp tư sản không mạnh đến mức có thể giành lấy sự thống trị hoàn toàn về chính trị, còn giai cấp quý tộc phong kiến vẫn còn bảo vệ được một số đặc quyền, đặc lợi của mình nên các nước này vẫn phải xác lập việc tạm thời chung sống của hai giai cấp này. Giai cấp phong kiến chưa hoàn toàn thất bại, còn giai cấp tư sản thì chưa được củng cố vững mạnh, nhưng cả hai đều mong muốn xác lập một chính quyền quốc gia vững mạnh.

Tuy nhiên những yếu tố chính trị nặng nề trên vẫn không ngăn được sự phát triển của tư duy tiến bộ nơi con người. Và trong thế kỷ XVII những quan điểm nhân đạo và những lời kêu gọi giải phóng con người ra khỏi sự lệ thuộc của chế độ chuyên chế đã được nêu lên. Khoảng cuổi thế kỷ này, một phong trào tư tưởng mới, to lớn đã được hình thành - Phong trào khai hóa. Nó đã đóng một vai trò đặc biệt lớn lao trong lịch sử chính trị và văn hóa trong thế kỷ XVIII. Giai cấp tư sản đã đề cao những nhàbác học và tư tưởng của mình, đó là Descartes(1596-1650),Kepler(1571-1630), Locke(1632-1704), Newton(1642-1727)... Sự biểu hiện nghệ thuật của thời đại này là sáng tác phẩm của những tác gia vĩ đại về văn, họa, kịch ... như Rubens(họa sĩ 1577-1640), Rembrandt(họa sĩ 1606-1669), các nhà văn và nhà soạn kịch như: Ra-xin và Cooc-nây, Mo-li-e và La-phông-ten...

Thời đại của thế kỷ XVII và nửa đầu thế kỷ XVIII tiêu biểu với các phong cách khác nhau. Trong thế kỷ XVII phong cách Ba-rốc chiếm ưu thế, sang thế kỷ XVIII phong cách Ba-rốc phải nhường vị trí của mình cho phong cách Rô-cô-cô. Hai phong cách Ba-rốc và Rô-cô-cô được biều hiện rõ nét trong nghệ thuật kiến trúc và hội họa. Chủ nghĩa cổ điển thì tiêu biểu trong văn học.

Phong cách Ba-rốc được sinh ra ở Ý từ cuối thế kỷ XVI và được phổ biến rộng rãi trong các nước TâyÂu. Nền nghệ thuật của Ba-rốc được sử dụng để ca ngợi chế độ chuyên chế. Và vì thế phong cách này đã được thiết lập vững chắc trong các lâu đài hoa lệ và trong sự trang hoàng của các đền miếu. Nền nghệ thuật Ba-rốc gây ân tượng ngạc nhiên bởi tính chất đồ sộ, trang hoàng và sự trang điểm nặng nề của mình. Ở đó tìm thấy sự biểu hiện của những điều tưởng tượng kỳ lạ, những hiệu quả mạnh mẽ và những tình cảm bị gạt bỏ lẫn nhau. Cường điệu trong sự kích động, sự nhiệt tình giả tạo và sự khoa trương rỗng tuếch trong sự biểu hiện đã đưa đến cho nghệ thuật Ba-rốc một hình dáng kỳ lạ, tách rời khỏi thực tế. Nền nghệ thuật của phong cách Rô-cô-cô được giải phóng khỏi sự nặng nề và tính chất ngổn ngang, khó nhọc quá đáng của phong cách Ba-rốc. Rô-cô-cô hướng về sự tâm tình lớn hơn, thích hợp với những đề tài thần thoại và đồng quê. Mục đích thẩm mỹ của nền nghệ thuật này biểu hiện ý thích của giới cung đình và quý tộc, nó tiêu khiển và mua vui cho tầng lớp này. Vì thế nền nghệ thuật theo phong cách Rô-cô-cô mang tính chất nhẹ nhàng, duyên dáng, bản chất vốn có của nó là vẻ kiều diễm, yêu đời và tính chất lịch sự trang nhã.

Hai phong cách Ba-rốc và Rô-cô-cô không biểu hiện đầy đủ và liên tục trong âm nhạc. Nhưng một số mặt riêng biệt của thẩm mỹ học Ba-rốc và Rô-cô-cô được tìm thây trong một số khuynh hướng khác nhau của âm nhạc thế kỷ XVII và nữa đầu thế kỷ XVIII. Phong cách Ba-rốc ảnh hưởng trong các vở nhạc kịch của Monterverdi, trong các chủ đề âm nhạc của Bach, trong các Oratorio của Handel...

Thế kỷ XVII xuất hiện một thời đại có tính chất bước ngoặt trong nền nghệ thuật âm nhạc. Đồng thời với âm nhạc phức điệu, phong cách âm nhạc hòa âm chủ điệu cũng được phát triển. Hệ thống điệu thức Trưởng - Thứ được thiết lập vững chắc. Phong cách nghiêm khắc trong âm nhạc phức điệu được thay thế bởi phong cách tự do. Phong cách tự do này gắn liền với một số nguyên tắc mới về sự hình thành và tạo thành tính chủ đề. Hình thức phức tạp nhất trong phong cách này là Fugue.

Thế kỷ XVII và nửa đầu thế kỷ XVIII còn được ghi nhận bởi sự xuất hiện của thể loại Opera và khí nhạc. Địa vị đứng đầu của hai thể loại này trong thế kỷ XVII và nữa đầu thế kỷ XVIII là nước Ý.

THỂ LOẠI OPERA (NHẠC KỊCH) Ý:

Âm nhạc phục hưng Ý xuất hiện vào thế kỷ XIV,hơi mờ nhạt ở thế kỷ XV và lại nổi lên ở thế kỷ XVI. Nhưng giai đoạn rực rỡ nhất là thế kỷ XVII và nửa đầu thế kỷ XVIII - giai đoạn hình thành và khẳng định thể loại nhạc kịch và nhiều thể loại nhạc hát, nhạc đàn khác.

Vào những năm cuối cùng của thế kỷ XVI, ở Phloren, có một số trí thức rất tầm đắc với văn học Hy Lạp cổ đại. Họ thường tụ tập với nhau để bàn luận về triết học Platon, họ gọi nhóm của mình là nhóm “Hàn lâm viện”. Họ bài xích âm nhạc phức điệu, chỉ tin vào nhạc chủ điệu kết hợp với thơ và hành động sân khấu như các cổ nhân thời HyLạp cổ đại đã làm. V.Galilây(1561-1633) - một thành viên của nhóm đã thử lấy một đoạn thơ trong “Thần khúc” của Đan-tê để phổ nhạc, có đàn Luyt đệm. Ông cố phổ để giai điệu làm rõ lời và nhấn mạnh những nhân tố tình cảm với bối cảnh của thơ. Thử nghiệm của Galilây tỏ ra có hiệu quả. Từ đó, nhà thơ Rinutrini mới phỏng theo cách làm ấy mà soạn ra cái gọi là kịch phổ nhạc. Tiếp theo ca sĩ Peri(1561-1633) phổ nhạc cho kịch bản “Đaphnơ”(truyện cổ Hy Lạp) và ra mắt khán giả vào năm 1594. Được hoan nghênh nhiệt liệt và “Đaphnơ” trình diễn ba năm liên tiếp. Các tác giả của nó hào hứng viết thêm vở “Ơriđicơ” được in và dựng vào năm 1600(tổng phổ của “Đaphnơ” sau đó đã mất nhưng “Ơriđicơ” thì vẫn còn).

Galilây, Rinutrini và Peri chỉ nghĩ họ hồi phục lại bi kịch Hy Lạp cổ đại, nhưng thật ra họ đã hoàn thành một phát minh - đó là sáng tạo ra thể loại nhạc kịch và năm 1600, năm dựng vở “Ơriđicơ”(còn truyền lại tổng phổ) đã đi vào lịch sử âm nhạc thế giới như là năm ra đời của thể loại này.

Sau Peri, ca sĩ Catrini(1550-1618) cũng đã viết nhiều vở tương tự làm lừng lẫy một thời cho trường phái nhạc kịch Phloren. Lúc này khắp nước Ý đều vang lên những bài hát trữ tình trích từ nhạc kịch của Catrini.

Nhưng đó cũng chỉ là một thời gian ngắn ngủi. Lúc này hoàn cảnh xã hội của nước Ý biến đổi từng ngày. Họ cần đến những vở nhạc kịch có những đề tài nóng hổi, những kịch tính xung đột, những mâu thuẫn của nhân vật. Phloren, cái nôi của nhạc kịch Ý phải rời khỏi “vũ đài” để nhường chổ cho các trung tâm mới như: Mantui, Rim, Vơni và Napoli.

Vào thế kỷ XVII, Vơni là một thành phố sầm uất nhất của Ý, ở đây giai cấp tư sản đã có một uy thế chính trị tương đối rộng lớn trong khi ảnh hưởng của nhà thờ đang trên đà suy yếu. Đề tài trong các vở nhạc kịch ở Vơni không chỉ dựa vào thần thoại HyLạp hoặc sự tích trong kinh thánh, mà còn rút từ trong sử thi, trong những câu chuyện từ cuộc sống thực tế. Nhà hát nhạc kịch ở Vơni không dành cho giới trí thức như ở Phloren, cho các công hầu, bá tước như ở Mantui hoặc bó khung trong các tòa thánh như ở Rim; mà nhà hát nhạc kịch ở Vơni dành cho tất cả ai có tiền mua vé vào xem. Đây là một điều tiến bộ lúc bấy giờ, nó làm cho nhà hát gần gũi hơn với đông đảo quần chúng. Tuy nhiên một mặt trái khác cũng đã xuất hiện ở Vơni, đó là giai cấp tư sản ở đây đang phát triển, nên đã nảy sinh những sự cạnh tranh giữa các nhà hát. Họ chỉ chú trọng vào thu tiền mà quên đi chất lượng nghệ thuật, nên đã có nhiều vở diễn kém. Trong bối cảnh ấy đã xuất hiện một nhạc sĩ tài năng đó là Monteverdi- người đã làm cho trường phái nhạc kịch Mantui và Vơni đi vào lịch sử.

Monteverdi (1567-1643) sinh ngàv 15 tháng 5 năm 1567 tại Cremon, nơi có trường đại học bách khoa, có sinh hoạt âm nhạc cao, có những người làm đàn Violon nổi tiếng khó có ai sánh kịp. Từ nhỏ ông đã có kiến thức rất rộng, ông biết sáng tác nhiều thể loại nhạc nhà thờ và ngoài đời, biết chơi các loại đàn Organ và Violon, có giọng hát hay. Ông trở nên nổi tiếng và được mời về Mantui khi mới hai ba tuổi. Ít lâu sau ông là người đứng đầu dàn nhạc và thường được tháp tùng với công vương đi sang một số nước Châu Âu, từ đó ông lại có dịp được học hỏi rất nhiều. Ông còn được mệnh danh là Sechxpia trong nhạc kịch! Với vở “Ophee” dựng năm 1607, Monteverdi đã làm vinh hiển cho trường phái nhạc kịch ở Mantui.

(Nội dung vở “Ophee”: Đây là một cốt truyện thần thoại HyLạp, được nhiều thế hệ nhạc sĩ phỏng theo để sáng tác nhạc kịch với nhiều tên gọi khác nhau như: “Ơriđicơ”, “Ophee”, “Ơriđicơ và Ophee”, “Chuyện chàng Ophee”, “Ophee dưới âm phủ”...

Ở xứ Phraki xa xôi có chàng Ophee thuộc dòng dõi thánh thần, có tài đàn hát tuyệt vời. Tiên nữ xinh đẹp Ơriđicơ đang sống trong tình vợ chồng ân ái với chàng thì không may bị rắn độc cắn chết. Không chịu nổi sự đau khổ đó, Ophee đã vượt mọi trở ngại để xuống âm phủ xin lại linh hồn Ơriđicơ. Chàng cất giọng hát trong như sương mai hòa với tiếng đàn Kipha để nói về tình yêu, hạnh phúc sum họp và nỗi đau đớn ly tan. Bài hát làm ma quái phải nhường lối, quỷ thần phải cúi đầu. Vua Diêm vương cũng mềm lòng và đã cho linh hồn của Ơriđicơ được sống lại, nhưng vua dặn Ophee khi trên đường về dương thế thì không được quay lại nhìn mặt vợ. Ophee đã sai lời dặn nên không cứu được Ơriđicơ. Trở về dương thế chàng chỉ còn biết khóc lóc và giãi bày nỗi thương tiếc trong giọng hát, tiếng đàn của mình. Nhiều tiên nữ đến quyến rũ chàng nhưng chàng đều cự tuyệt. Bị xúc phạm, các tiên nữ đã bày mưu hãm hại chàng. Chỉ từ đó hồn của Ophee và Ơriđicơ mới được vĩnh viễn quấn quýt bên nhau.)

Năm 1613, Monteverdi đoạn tuyệt với Mantui, nhận lời mời tới Vơni và lập tức trở thành ngôi sao sáng của trường phái này. Ở Vơni, Monteverdi viết thêm các vở “Nàng Licori giả dại”, “Phong hậu cho Pogây”, “Ulit trở về tổ quốc”... ông mất tại Vơni vào năm 1643 giữa lúc đang đạt tới đỉnh vinh quang của sự nghiệp sáng tác. Vào nửa cuối thế kỷ XVII thì trường phái này chìm dần vào quên lãng. Vào đúng lúc đó thì xuất hiện trường phái nhạc kịch Napoli.

Napoli là một thành phố có truyền thống dân ca tuyệt diệu và độc đáo nhất so với tất cả những truyền thống dân ca của các thành phố khác của Ý. Người dân của thành phố Napoli có năng khiếu âm nhạc nhạy bén nên dễ tiếp thu được những tinh hoa văn hóa từ các nơi khác mang lại. Trường phái Napoli xuất hiện sau nên thừa hưởng được những kinh nghiệm quý báu của những người đi trước. Thêm vào đó Napoli lại có một nhạc viện khá hoàn chỉnh đã đào tạo ra được những nhạc công có trình độ điêu luyện và các nhạc sĩ tài năng.(Nhạc viện - Conservatoire - gìn giữ, trông coi và còn có nghĩa bóng: cho nơi nương thân. Từ năm 1537 một số nhà giàu và một số tu viện ở Napoli đã thành lập những nhà nương thân như thế cho trẻ em và dạy cho chúng học đàn, hát và các nghề khác. Càng ngày nhà nương thân Napoli càng đào tạo được những nghệ sĩ tài năng, thu hút được các bậc thầy tăm tiếng và cuối thế kỷ XVII thì trở thành đúng với nghĩa nhạc viện như ngày nay.)

Người đứng đầu trường phái nhạc kịch Napoli là nhạc sĩ Scarlatti(1659-1780), một nhạc sĩ rất tài năng. Ông có một số lượng tác phẩm khổng lồ: 115 vở nhạc kịch, 700 Cantat, 20 Oratorio... Những vở nhạc kịch nổi tiếng của ông viết trong thời gian ở Napoli đã trở thành những vở nhạc.Vịch tiêu biểu, đại diện cho nhạc kịch Ý, đó là các vở “Atinrêgun”(1712), “Hoàng đế Cac của người Alêmăng”, “Griđenđa”(1721)... Giai điệu trong nhạc kịch của Scarlatti là sự phát triển cao của lối hát bóng bẩy (Belcanto), tiết tấu luôn khoan thai, mềm mại. Điệu thức của Scarlatti hay dùng là trưởng tự nhiên và thứ giai điệu. Chính ông đã đưa hợp âm sáu bậc II giáng(hợp âm sáu Napoli) vào trong các Aria trữ tình của mình. Qua nhiều tác phẩm của mình: Scarlatti đã định hình cho cơ cấu của nhạc kịch nghiêm túc(opera Séria). Mỗi nhạc kịch của Scarlatti được mở đầu bằng một giao hưởng ba chương thường rất sinh động, sôi nổi; các chương thường tương phản nhau về nhịp độ, điệu thức và tính chất âm nhạc (đây có thể là một sự bắc cầu quan trọng dẫn tới thể loại giao hưởng sau này). Toàn bài giao hưởng không liên quan đến nội dung vở nhạc kịch mà chỉ mang tính chất gây không khí cho buổi diễn. Ngoài nhạc kịch nghiêm túc thì Scarlatti còn viết một số vở nhạc kịch có nội dung hài hước như vở “Những ảo tưởng may mắn”- đây cũng là những mầm mống của nhạc kịch hài về sau. Bên cạnh sáng tác nhạc kịch, Scarlatti còn góp công lớn trong các thể loại như Cantat và oratorio...

Những chuyển biến mạnh mẽ của các trào lưu xã hội trong nữa đầu thế kỷ XVIII không cho phép nhạc kịch tách rời khỏi cuộc sống thực tiễn. Trong trường phái nhạc kịch Napoli, nhạc kịch, nghiêm túc phải nhường chỗ cho một thể loại khác thích hợp hơn: nhạc kịch hài hước (Opera buffa-nhạc kịch hài hước. Điểm khác nhau giữa nhạc kịch nghiêm túc và nhạc kịch hài hước đó là: một bên gồm những nhân vật và sự kiện có nguồn gốc từ thần thoại, từ lịch sử quá khứ; một bên gồm những nhân vật và sự kiện từ cuộc sống sinh hoạt đời thường).

Như ta đã biết nhạc kịch hài không tự nhiên mà có, nó đã có mầm mống từ lâu, chỉ còn chờ đợi “thuận trời, hợp đất” là bắt đầu nẩy nở hình thành. “Trời đất” ấy là hoàn cảnh xã hội, là phong trào đấu tranh của quần chúng đang tích lũy sức mạnh để lật đổ chế độ cũ, mà việc làm đầu tiên là chế diễu, cười cợt nhằm vào những vua chúa, quan lại và bọn giàu có của chế độ ấy, đề cao trí thông minh, mưu lược của những người thuộc đẳng cấp thứ ba.

Vào khoảng những năm đầu tiên của thế kỷ XVIII, người ta bắt đầu diễn những cảnh pha trò thay vào những chỗ chờ đợi thay màn của một vở diễn nhạc kịch nghiêm túc. Đề tài các cảnh ấy là những câu chuyện vui rút từ sinh hoạt hằng ngày. Đan đầu chỉ một vài nhân vật, về sau số nhân vật được tăng lên, bản thân câu chuyện cũng được mở rộng tới mức chiếm cả thời gian của một đêm diễn; như vở “Con sen thành bà chủ” của Pecgoleri(1710-1736) diễn ở Napoli năm 1733.Thành công của vở diễn rực rỡ tới mức có thể coi đó là khởi điểm của của thể loại hài nhạc kịch.(Nhân vật chính của câu chuyện là một cô đầy tớ gái có thừa trí thông minh để trở thành địa vị một bà chủ, muốn thế cô chỉ cần bắt ông chủ cưới mình làm vợ. Đầu tiên cô dọa bỏ việc làm, khiến ông bối rối không biết xoay xở ra sao, sau cô cải trang thành một người thanh niên đến xin ông cho cưới cô làm vợ và đòi một món hồi môn lớn. Tới đây ông chả càng sợ hãi và chấp nhận việc cưới cô đầy tớ gái của mình làm vợ). Câu chuyện chỉ có ba nhân vật, cô đầy tớ gái đại diện cho đẳng cấp “hạ lưu” và ông chủ ngu si, đần độn đại diện cho tầng lớp “thượng lưu”, nhờ có làn điệu rất sinh động chân thực và một tiết tấu hóm hỉnh, sắc nét nên vở “Con sen thành bà chủ” đã trở thành tác phẩm nhạc kịch hài kinh điển, cho đến hôm nay nó vẫn còn sống được trên sân khấu.

Trong nền nhạc kịch Ý thế kỷ XVII và nữa đầu thế kỷ XVIII, lần lượt xuất hiện trường phái này đến trường phái khác để cuối cùng dẫn tới trường phái nhạc kịch Napoli với sự hình thành hai thể loại chính của bộ môn nghệ thuật này là nhạc kịch nghiêm túc và hài nhạc kịch. Với tất cả mặt mạnh và mặt yếu, nhạc kịch Ý đã được truyền bá rộng rãi ra các nước khác như: Pháp, Đức, Ba Lan, Anh, Nga... và thúc đẩy sự phát triển nhạc kịch dân tộc ở các nước đó.

NỀN KHÍ NHẠC Ý:

Song song với nhạc kịch -một thể loại tổng hợp của nhạc, thơ và sân khấu, còn có những thể loại khác đạt quy mô không bé nhỏ hơn bao nhiêu, nhưng chỉ thuần túy kết hợp giữa nhạc và thơ mà không có sân khấu kịch - đó là Oratorio và Cantat.

Oratorio được ra đời từ trong các buổi diễn kinh Thánh, với mục đích dùng âm nhạc để kể lại những tích Thánh cho việc truyền đạo được hấp dẫn hơn. Vì vậy đề tài của Oratorio thường được lây từ trong kinh Thánh nên hát bằng tiếng La tinh, về sau đề tài được lấy ở cả những chuyện ngoài đời nên được hát bằng tiếng Ý thông dụng.

Cantat xuất hiện sau Oratorio gần nửa thê kỷ, nó có bố cục tương tự như Oratorio nhưng quy mô nhỏ hơn, có đề tài đơn giản, một chiều nên phát triển đồng nhất hơn. Oratorio loại trừ các nhân tố sân khấu(bài trí, phục trang, hành động nhân vật) của nhạc kịch, nhưng vẫn giữ lại vai trò nhân vật(tự sự, đối thoại); đến Cantat thì lại cố xóa bỏ cả vai trò nhân vật nửa(nhiều khi ranh giới giữa Oratorio và Cantat vẫn không rõ rệt lắm).

Tuy nhiên, Oratorio và Cantat trong thời kỳ này ở Ý vẫn không thể nào sánh kịp được với vai trò của nhạc kịch. Chỉ sau này trong sự nghiệp của Hendel và Bach ở đầu thê kỷ XVIII, chúng mới có được chiều hướng phát triển độc đáo và đạt tới địa vị bậc nhất.

Nhạc hát Ý, mà trước hết là những thể loại có quy mô lớn của nó như đã nói(nhạc kịch, Oratorio, Cantat) đã kích thích sự đua nở của trường phái nhạc đàn. Thời gian này nhiều aria trong các vở nhạc kịch tuyệt tác luôn được người dân nước Ý hát vang khắp nơi như những bài dân ca của họ. Những người không có giọng hát thì biễu diễn giai điệu của các bài hát này bằng nhạc cụ và rất nhiều người trong số họ đã cố gắng luyện ngón đàn để đạt được mức độ tài nghệ ngang với các diễn viên hát trên sân khâu nhạc kịch, về phía công chúng thì âm hưởng của dàn nhạc trong nhạc kịch, Oratorio và Cantat cũng đã tôi luyện cho họ khiếu thẫm mỹ để thưởng thức tốt nhạc đàn, nhạc không lời.

Xuất hiện sớm nhất trong lĩnh vực nhạc đàn là trường phái Organ của Frescobaldi(1583-1643). Ông là người đầu tiên sử dụng thủ pháp đối vị tự do để phất triển các loại giai điệu Grigơri. Ông thay thế các điệu thức trung cổ bằng các điệu thức trưởng, thứ trong các sáng tác của mình, hệ nguyên âm được bồi bổ bằng các âm hóa, các hòa âm thuận thường xen kẽ với hòa âm nghịch chẳng những ở phách yếu mà cả ở phách mạnh. Chủ đề trong các tác phẩm âm nhạc của ông mang những đặc điểm, thể loại gắn với những hình ảnh sinh hoạt hằng ngày(hành khúc, vũ khúc, ca khúc...), vì thế Frescobaldi đã tạo được nét riêng cho mình. Frescobaldi sử dụng nhiều thể loại âm nhạc:Fantasia, Toccata, Capriccio...(Fantasia- tưởng tượng, đây là thể loại có lối viết tự do, phóng khoáng, lạ tai. Toccata- chạm, sờ, là loại tác phẩm có tốc độ nhanh, tiếng đàn nẩy, ý nói người biễu diễn chỉ kịp chạm vào phím đàn. Capriccio- thất thường, ý nói chất âm nhạc trong tác phẩm luôn thay đổi bất ngờ. Thể loại này cũng tương tự như Fantasia). Tất cả những điều vừa nói trên làm cho Frescobaldi trở thành một trong những người đặt nền móng quan trọng cho nhạc phức điệu tự do mà sự thể hiện nổi bật của phong cách ấy là Fugue.

Fugue có nghĩa là chạy đuổi, đây là tên gọi một thể thức, tức là một lối bố cục dùng nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, mà trong đó sự mô phỏng, sự tiếp sức giữa các bè kết hợp với hình ảnh chạy đua, vượt đuổi như tên gọi của nó. Vào thời đại của mình Frescobaldi đã đưa Fugue tới mức độ hoàn thiện không ai bì kịp, ông xứng đáng là bậc tiền bối của Bach sau này.

Trong thể loại nhạc đàn ta không thể không nói đến cây đàn Violon, bởi vì nó cùng với nhạc kịch đã làm nên niềm kiêu hãnh cho người Ý trong giai đoạn này và các giai đoạn về sau.

Tổ tiên gần nhất của Violon là cây đàn Vion, một loại nhạc cụ được các nghệ sĩ lang thang rất hay dùng từ thời trung cổ. Đến thế kỷ XIV chúng được dùng trong cả dàn nhạc nhà thờ để hòa thêm hoặc thay thế cho các giọng hát trong hợp xướng, và chính vì mục đích ấy mà chúng được sản xuất theo nhiều cỡ khác nhau để phù hợp với các giọng hát đixcan, anto và teno. Hai loại đầu có cỡ nhỏ hơn có thể tì trên đùi hoặc kẹp vào cằm để kéo được gọi là Vion tay(Viole da bracio); loại còn lại được kẹp vào hai đùi hoặc tì trên một que đỡ để kéo được gọi là Vion chân(Viole da gamba). Tất cả các loại Vion này đều có phím và được mắc sáu dây theo quảng bốn (D-G-C-E-A-D).

Sang thế kỷ XVII với lối hát bóng bẩy cũng như các giai điệu được phát triển của nhạc kịch đã thúc đẩy việc cải tiến các loạiđàn Vion: số lượng dây giảm bớt còn bốn dây, các dây được mắc theo quãng năm, các phím không còn nữa để tạo ra những âm lướt, vuốt và rung. Vion đixcan được cải tiến trước hết để thành Violon, các loại Vion còn lại cũng lần lượt định hình để rồi thành đàn Viole, Cello và Contrebasse như ngày nay. Vào thế XVII và nữa đấu thế kỷ XVIII nước Ý cũng đã xuất hiện nhiều người thợ làm đàn Violon tài nghệ mà cho đến nay tên tuổi của họ vẫn còn như: Amati(1596-1684), Xt’rađivơri(1644-1737),Gvaneri(1698-1744), Matgini(1580-1651)...

Nghệ thuật sáng tác và biễu diễn Violon nổi bật trước tiên ở trường phái Vơni, và Vơni cũng là trường phái Violon đầu tiên của thế giới. Đáng tiếc ở đây người ta thiên về nhạc kịch nhiều hơn nên nhạc đàn khó phát triển.

Ngược lại dân Bolông lại ưa nghe nhạc đàn, do đó họ đã có một trường phái Violon phát triển khá mạnh.

Nhạc sĩ Vitali(1644-1692) người đã viết nhiều Mexa và Cantat cho giáo đường, đã có nhiều chú ý tới Violon, người đã có nhiều giai điệu đẹp đẽ, có cá tính và những kỷ thuật mới lạ cho Violon. Ông cũng là người đã phân biệt Sonata thành hai loại: giáođường và thính phòng.

Sonata giáo đường(Sonata da chiesa) có tính chất nghiêm khắc, có hình tượng khái quát triết lý. Mỗi Sonata có từ ba, bốn chương trở lên; chúng tương phản nhau về nhịp độ và lốì viết: chương nhanh phức điệu xen lẫn với chương chậm chủ điệu. Tuy được biễu trong nhà thờ nhưng năm ngoài thời gian các buổi lễ nên nội dung của chúng không nặng tính chất tôn giáo và có thể gọi đây là loại nhạc thế tục.

Sonata thính phòng(Sonatadacamera) hay còn gọi là pactit(chương - nghĩa là bản nhạc nhiều chương), gần với cuộc sống bình dị hơn. Nó gồm nhiều điệu múa của dân tộc được viết ở thể hai đoạn cổ kết hợp lại theo nguyên tắc thống nhất về giọng điệu nhưng tương phản về nhịp điệu nhanh chậm khác nhau. Mỗi Sonata bao gồm bốn điệu múa sắp xếp theo thứ tự:

- Alemăng(allemande - điệu múa Đức). Tốc độ vừa phải, nhịp bốn, tính chất thư thái, trầm tĩnh.

- Curăng(courant - trôi trượt, nhanh nhẹn), tốc độ nhanh, nhịp ba, tính chất sôi động, linh hoạt.

- Xarabăng(sarabanda - điệu múa Tây ban nha). Tốc độ chậm, nhịp ba, tính chất suy tư, có khi bi thương, thường viết ở lối phức điệu.

- Gigơ(jig - điệu múa Anh). Nhịp hỗn hợp(12/16, 6/8) hoặc 4/4,tínhchất sôi nổi, lối viết phức điệu.

Đặc biệt nhạc sĩ A.Corelli(1655-1713) còn đi xa hơn Vitali để trở thành người nổi tiếng nhất của trường phái Bolông. Ông viết 600 Sonata các loại: giáo đường và thính phòng, cho một đàn và ba đàn. Ông còn là người đã hoàn thiện và hệ thống hóa các kỹ thuật cho đànViolon(bởi ông còn là một nghệ sĩ Violon điêu luyện). Ngoài ra ông còn viết 12 Concerto(Concerto - thi thố). Sự có mặt của Corelli ở Rim đã kích thích một vài nhạc sĩ sáng tác Sonata và Concerto, nhưng sau khi ông từ trần thì trung tâm âm nhạc Violon được chuyển về Pađui với D.Tartini(1692-1770) làm đại diện.

Là một nghệ sĩ Violon kỳ tài, Tartini đã biết mở rộng kỹ thuật diễn tấu của cây đàn Violon lên một mức độ cao hơn Corelli. Trong số rất nhiều tác phẩm của Tartini để lại(gần bốn trăm Concerto và Sonata cho Violon), có một bản tới nay vẫn còn giữ được vị trí vững chắc trên sân khấu hòa nhạc, đó là Sonata viết cho Violon “Âm láy-của quỷ”.

Nhạc đàn của Ý nữa đầu thế kỷ XVIII, bên cạnh Tartini, còn có V.Vivaldi và D.Scarlatti. Tác phẩm của họ không dành riêng cho Violon, phạm vi hoạt động của họ không bó khung trong nước Ý và họ cũng không lập trường phái. Có lẽ vì thế mà họ đã làm cho vườn hoa âm nhạc của Ý thêm nhiều màu sắc hơn và gây được ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của âm nhạc châu Âu.

Vivaldi (1680-1741) đã viết một khối lượng tác phẩm khổng lồ:332 Opera, 23 giao hưởng, 73 Sonata, 500 Concerto các loại... Hình tượng âm nhạc của Vivaldi thiên về tính tạo hình, ưa sự minh bạch, sinh động. Vivaldi yêu thích âm nhạc có tiêu đề. Có thể nêu lên nhiều tác phẩm thuộc loại này như: “Bão tố trên biển cả”,“Bên mộ thánh”, “Đêm”, “Thôn dã”... Có khi ông lấy một quá trình nào đó trong thiên nhiên, trong con người để làm tên gọi tiêu đề cho các chương của một tác phẩm: như Concerto “Bốn mùa” gồm bốn chương, mỗi chương là một mùa của năm hoặc Concerto gồm ba chương: “Nghi ngờ”, “Bình thản” và “Lo âu”. Vivaldi cùng với các nhạc sĩ thuộc trường phái Clevecin của Pháp là những người tiền bối của loại nhạc có tiêu đề rất được phát triển vào nữa cuối thế kỷ XIX.

D.Scarlatti(1685-1757) cũng viết nhiều thể loại âm nhạc: nhạc kịch, Oratorio, Cantat... nhưng nổi bật nhất là 555 bản Sonata được ông gọi một cách khiêm tốnlà “Những bài tập cho đàn Clevecin”. Các bài tập của ông là những phác thảo, những trang nhật ký về thiên nhiên và con người. Chính để đạt được nội đung đa dạng ấy, Scarlatti phải tìm kiếm, mở rộng rất nhiều thủ pháp, kỹ thuật cho cây đàn Clevecin và đặc biệt ông đã hoàn thiện bố cục, đặt cơ sở cho hình thức Sonata sau này.

Các “Bài tập” phần nhiều được viết theo thể hai đoạn cổ, nhưng mỗi phần trong đó đã có manh nha của thể Sonata: trình bày - phát triển và tái hiện.

D.Scarlatti là người đại diện cuối cùng, người ghi dấu chấm đẹp đẽ cho nền nghệ thuật nhạc đàn của Ý các thế kỷ XVII và nữa đấu thế kỷ XVIII - thời kỳ có những biến đổi cực kỳ lớn lao trong đời sống xã hội và chính trị của đất nước này. Với những trường phái rất khác nhau, với những đại diện tài năng, có sức làm việc không biết mệt mỏi, nước Ý đã xây dựng được một vốn liếng âm nhạc hết sức giàu có; trong đó bao gồm những phong cách, thủ pháp, hình thức càng ngày càng đạ dạng, mới mẻ và hoàn chỉnh, phản ánh khá trung thành những biến đổi xã hội, miêu tả khá chính xác những góc cạnh phong phú nhất của thiên nhiên và con người.

Đối với người Ý, các thế kỷ XVII và nữa đầu thế kỷ XVIII là thời kỳ rực rỡ nhất trong toàn bộ lịch sử nghệ thuật âm nhạc của mình; còn đối vơí người nước ngoài thì những thành tựu âm nhạc trong giai đoạn này của Ý là một kho tàng quý báu luôn được khâm phục, chiêm ngưỡng, học tập và noi theo trong suốt nhiều thế kỷ về sau. 

 

Bài viết liên quan

CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN THẾ KỶ XIX
Tin tức âm nhạc

CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN THẾ KỶ XIX

Sau cách mạng tư sán Pháp 1789, lịch sử các dân tộc ở châu...
NHẠC KỊCH THẾ KỶ XVIII
Tin tức âm nhạc

NHẠC KỊCH THẾ KỶ XVIII

Sang thế kỷ XVIII nhạc kịch phát triển theo những chiều hướng mới. So...
CHỦ NGHĨA CỔ ĐIỂN VIENNA
Tin tức âm nhạc

CHỦ NGHĨA CỔ ĐIỂN VIENNA

Vào thế kỷ XVIII nước Áo là một nước quân chủ phong kiến chuyên...
ÂM NHẠC THỜI PHỤC HƯNG (Thế kỷ XIV - XV - XVI)
Tin tức âm nhạc

ÂM NHẠC THỜI PHỤC HƯNG (Thế kỷ XIV - XV - XVI)

Mối quan hệ giữa nhạc sĩ và quần chúng đòi hỏi sự cấp thiết...
ÂM NHẠC THỜI TRUNG CỔ ( Thế kỷ V - XIII )
Tin tức âm nhạc

ÂM NHẠC THỜI TRUNG CỔ ( Thế kỷ V - XIII )

Lịch sử của thời trung cổ đó là lịch sử của chế độ phong kiến,...
NHỮNG NỀN ÂM NHẠC TIÊU BIỂU CỦA THỜI CỔ ĐẠI
Tin tức âm nhạc

NHỮNG NỀN ÂM NHẠC TIÊU BIỂU CỦA THỜI CỔ ĐẠI

Sau khi xã hội nguyên thủy tan rã, vào cuối thiên niên kỷ...
ÂM NHẠC THỜI NGUYÊN THỦY - CỔ ĐẠI
Tin tức âm nhạc

ÂM NHẠC THỜI NGUYÊN THỦY - CỔ ĐẠI

Việc tìm ra nguồn gốc âm nhạc so với các bộ môn nghệ thuật...