Vào thế kỷ XVIII nước Áo là một nước quân chủ phong kiến chuyên chế. Dân chúng ở đây vừa là người Đức, Áo, vừa là người Hung, người Xlavơ và nhiều dân tộc khác với tình trạng nhiều dân tộc như thế nên nghệ thuật của nước này(nhất là âm nhạc) được nẩy nở và phát triển rất phong phú, rộng rãi. Từ trên những đường phố, ngoàicông viên, nơi quán chợ, trong phòng hòa nhạc ... đâu đâu cũng rộn rã tiếng hát, tiếng đàn.
Những bài dân ca thành thị, những khúcValse, vũ điệu Lendler, những bản Serenade(khúc nhạc chiều), Nocture (bản nhạc về đêm) ...là những món ăn tinh thần không thể thiếu đốì với mỗi người dân thành Vienna yêu âm nhạc. Bên cạnh những hình thức sinh hoạt âm nhạc của quần chúng, từ trong những lâu đài sang trọng, với phong cách âm nhạc “hàn lâm viện”, các nhà soạn nhạc trình bày những tác phẩm mới, các nhạc sĩ tài năng biễu diễn, tất cả đã tạo nên những hình thức hoạt động trên lĩnh vực âm nhạc muôn màu, muôn vẻ.
Những vở nhạc kịch của Mozart, Gluck, những tác phẩm giao hưởng, Sonate của Haydn, Mozart và Beethoven... đã làm cho thủ đô nước Áo trở thành một trung tâm âm nhạc của châu Âu lúc bấy giờ.
Tất cả những sự kiện ấy, những nhạc sĩ lỗi lạc ấy, đã tạo cơ sở cho sự nẩy sinh và kết tinh một trào lưu âm nhạc mới, khác với những thế kỷ trước, đó là trào lưu âm nhạc cổ điển - còn được gọi là CHỦ NGHĨA CỔ ĐlỂN và Vienna chính là quê hương của trường phái âm nhạc đó.
Nền âm nhạc cổ điển Vienna nữa sau thế kỷ XVIII, là sự tổng hợp của thế giới quan và những khuynh hướng thẩm mỹ mới nẩy nở trong nghệ thuật âm nhạc. Trường phái âm nhạc này có mối quan hệ chặt chẽ với cuộc cách mạng tư sản Pháp 1789, với chủ nghĩa duy lý(chống thế giới quan tôn giáo và quan điểm của chủ nghĩa phong kiến, xác lập lý tính và quyền lợi lý tính là có tính chất tiến bộ) của phái Bách Khoa thế kỷ Ánh Sáng, đó là những ý niệm về lòng nhân đạo, niềm tin vào lý tính, tinh thần lạc quan, tính nhân dân và dân chủ, những tư tưởng mới ấy được phản ánh trong những kiệt tác của các danh nhân tiên tiến của xã hội bấy giờ.
Nước Áo, ngoài những ảnh hưởng trên, nền âm nhạc ở đây còn chịu tác động bởi: thuyết “tri thức tuyệt đối” của Iôxip II và những cuộc nổi dậy của nông dân đâu tranh chống cường quyền và nhà thờ khắc nghiệt, Những ước mơ, những suy nghĩ thầm kín về sự công bằng, về một tương lai tươi sáng của người dân đã được thể hiện trong các tác phẩm của các nhạc sĩ cổ điển Vienna. Thời đó, để có thể làm việc được, các nhạc sĩ tài năng đều phải sống dựa vào những nhà bảo trợ nghệ thuật trong giai cấp quý tộc, các nhà soạn nhạc vừa phải làm gia sư, làm quản lý và sáng tác theo yêu cầu của “ông chủ”. Nhưng họ đã biết khai thác từ những tác phẩm âm nhạc của quần chúng và sinh hoạt nghệ thuật dân gian để viết lên những bản nhạc sôi nổi, nhiều màu sắc, nhữngsuy nghĩ về hạnh phúc và nỗi lo âu trong thế giới nội tâm của con người, những bức tranh mô tả cảnh sinh hoạt của nhân dân, những phút giây trầm tư, mặc tưởng, đau thương, oán hận, những xúc cảm trước những hiện tượng thiên nhiên tươi đẹp.
Nội dung tư tưởng trong những tác phẩm của các nhạc sĩ cổ điển Vienna là thể hiện niềm tin vào sự chiến thắng của lý trí và tinh thần lạc quan, nhân đạo tiến lên phía trước. Trong những bản giao hưởng của Haydn thời kỳ đầu, trong nhạc kịch của Mozart, trong Sonate, giao hưởng của Beethoven... đó là những bản anh hùng ca nói lên tinh thần lạc quan và niềm tin vào một ngày mai xán lạn. Song bên cạnh sự lạc quan ấy, họ có không ít những năm tháng đau thương tủi nhục của cuộc đời một nhạc sĩ hầu cận các gia đình quý tộc, đó cũng là nguyên nhân của biết bao âm điệu trầm lắng trong khúc “Tưởng niệm”(Requiem - nhạc tang lễ nhà thờ) của Mozart, trong các bản giao hưởng “Tang lễ”, giao hưởng “Vĩnh biệt” của Haydn, trong tác phẩm Sonate “Appassionata” của Beethoven ... Nhưng hầu hết những tác phẩm của họ đều toát lên sự sáng sủa, khỏe khoắn, thu hút mọi người.
Có thể nói chủ nghĩa cổ điển Vienna đã có nhiều đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nghệ thuật âm nhạc thế giới. Kế thừa các bậc tiền bối, các nhạc sĩ cổ điển Vienna đã hoàn thiện hình thức Sonate. Hình thức này đã được các nhạc sĩ thế kỷ XVII sử dụng nhưng còn ở hình thức đơn giản. Phải đến Haydn, Mozatr và nhất là Beethoven thì hình thức này mới được thể hiện một cách sáng tạo, muôn hình muôn vẻ trong nhiều kiệt tác.
Hình thức Sonata là một cơ cấu,trong đó sử dụng nhiều chủ đề, nhiều hình tượng âm nhạc tương phản, kịch tính. Điều đó thật phù hợp với những hiện tượng xã hội đang diễn ra dưới nhiều dạng đấu tranh khác nhau của thế kỷ mà các nhạc sĩ cổ điển Vienna đang sống.
Hình thức Sonate gồm có 3 phần: Phần trình bày - phần phát triển - phần tái hiện. Song song với hình thức Sonate, liên khúc Sonate cũng được sử dụng. Haydn đã thành công trong việc áp dụng liên khúc Sonate vào trong giao hưởng 4 chương, người ta còn gọi ông là “cha đẻ” của giao hưởng. Liên khúc Sonate ra đời cũng làm cho một sô thể loại khác phát triển như:song tấu(Duo), tam tấu(Trio), tứ tấu(Quartuor)... và các bản Concerto cho các loại đàn.
Liên khúc Sonate là một hình thức âm nhạc gồm có nhiều chương(thường 3 hay 4 chương), mỗi chương thường có một sắc thái, một màu sắc riêng biệt để mô tả một khía cạnh của chủ đề tư tưởng.
Với sự xuất hiện của liên khúc Sonate, từ đây đã đánh dấu một bước phát triển vĩ đại trong nghệ thuật khí nhạc, người nhạc sĩ có thể đề cập tới những vấn đề mà trước đây tưởng như nhạc không lời không thể biểu hiện được.
Một điều quan trọng làm cho các tác phẩm của các nhạc sĩ chủ nghĩa cổ điển Vienna trở thành bất tử là do ấn tượng mạnh mẽ của những chủ đề. Khác với âm nhạc của các thế kỷ trước, các chủ đề thường triền miên vô tận, đôi khi còn trừu tượng. Chủ đề của các nhạc sĩ cổ điển Vienna trong sáng, giản dị có sức truyền cảm sâu sắc, chính vì vậy đã đọng lại trong trí nhớ của người nghe một cách lâu dài. Chủ đề của các nhạc sĩ cổđiển Vienna thường lấy chất liệu dân ca để thể hiện, tránh trừu tượng và tránh mô tả thiên nhiên một cách sống sượng. Với sự xuất hiện của những chủ đề có cá tính, nên từ đây trong âm nhạc bắt đầu hình thành một thủ pháp soạn nhạc là phát triển “MotiF” (động cơ), phát triển chủ đề mà Haydn, Beethoven rất hay dùng. Chủ nghĩa cổ điển Vienna còn chú trọng tới tính cân đối trong tác phẩm.
Về hòa thanh, giai đoạn này là đỉnh cao của sự tổng kết công năng TSDT, công năng kép, chuyển điệu, chuyển giọng và sự kết hợp hài hòa giữa những hợp âm thuận, nghịch. Thay thế một phần âm nhạc phức điệu(Polyphonie) bằng âm nhạc chủ điệu (Homophonie). Dàn nhạc giao hưởng thời kỳ này cũng dần được hoàn thiện, âm lượng vững vàng hơn, một số nhạc cụ kèn được đưa vào dàn nhạc giao hưởng.Haydn, Mozart, Beethoven đều có viết những tác phẩm cho đàn phím, họ tách ra khỏi Clevecin để chuyên viết cho Piano, một nhạc cụ có âm lượng như một dàn nhạc lớn.
Trong lĩnh vực nhạc kịch, các nhạc sĩ cổ điển Vienna đã đạt được những thành tựu hết sức lớn lao. Trước hết là Gluck, người đã thực hiện cải cách nhạc kịch để cho nhạc kịch vượt qua cơn khủng hoảng, trở lại với thời kỳ hoàng kim của nó như ở thế kỷ XVII, cùng với những bước phát triển có phần còn vượt trội hơn.
Sau cùng là yếu tố điệu thức, các nhà soạn nhạc Vienna đã thấy tầm quan trọng của nó, bởi điệu thức là linh hồn của tác phẩm nên họ đã mạnh dạn thay dần các điệu thức trung cổ bằng các điệu thức trưởng tự nhiên và thứ hòa thanh. Việc sử dụng các điệu thức này đã làm cho hòa thanh công năng được phát triển rộng rãi.
Trong quá trình phát triển của lịch sử âm nhạc từ xưa đến nay, sự xuất hiện của trường phái âm nhạc cổ điển Vienna là một hiện tượng mới mẻ. Trường phái này không sinh ra một cách ngẫu nhiên, nó được trực tiếp kế thừa từ sự hưng thịnh của nền âm nhạc Ý thế kỷ XVII. Phải chăng Moteverdi, Scarlati, Hendel, Bach... đã nhóm lên ngọn lửa và thế hệ sau, những con người của Bach cùng với Gluck, Haydn, Mozart, Beethoven... đã thổi bùng lên ngọn lửa ấy thành một bó đuốc chiếu sáng con đường mới - con đường phát triển của sự .nghiệp âm nhạc. Ngọn lửa thần kỳ ấy không bao giờ tắt, nó vẫn rạng chiếu cho nền nghệ thúật âm nhạc tiên tiến ngày nay.