Tin tức âm nhạc

CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN THẾ KỶ XIX

CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN THẾ KỶ XIX

Sau cách mạng tư sán Pháp 1789, lịch sử các dân tộc ở châu Âu đã diễn ra khá phức tạp và đầy mâu thuẫn. Các sự kiện chính trị liên tiếp nổ ra làm cho hoàn cảnh xã hội cũng như các quan điểm, các khuynh hướng cũng luôn thay đổi theo.

Ở Pháp sau cách mạng 1789, phái Jacobin lên nắm quyền đã hủy bỏ được mọi trật tự của xã hội phong kiến. Cách mạng đã đem lại sự bình quyền về đẳng cấp cho quần chúng và nhân dân tin tưởng vào sự chiến thắng của tự do, bình đẳng, dân chủ. Đây chính là điển hình của một thời đại.

Song chẳng bao lâu, những lực lượng phản cách mạng đã quay trở lại chống nhân dân, chống lại những thành quả của cách mạng đã giành được. Giai cấp tư sản phản động đoạt lại chính quyền từ tay của phái Jacobin cách mạng dân chủ. Để hình thành chính quyền của mình họ đã xóa bỏ thành quả cách mạng của nhân dân. Đưa Napoleon lên ngôi hoàng đế, giai cấp tư sản như đã tìm được người nói lên những tư tưởng chống đối cách mạng của mình. Napoleon trở thành kẻ phản bội quyền lợi của nhân dân cách mạng, khủng bố dữ dội những người Jacobin vào tháng 12 năm 1800, bên cạnh đó Napoleon còn thực hiện hàng loạt chính sách xâm chiếm các nước châu Âu. Tất cả những hành động đó, rõ ràng Napoleon đã dày xéo lên những quan điểm vĩ đại của cách mạng tư sản 1789 đó là tự do, bình đẳng, bình quyền, dân chủ và bác ái. Tuy nhiên những tư tưởng cao cả của cách mạng 1789 không thể bị dập tắt, trái lại nó đã có một tiếng vang lên toàn châu Âu. Các dân tộc châu Âu như bừng tỉnh. Những khuynh hướng yêu tự do, dân tộc, cách mạng đã tạo sự thúc đẩy mạnh mẽ cho phong trào giải phóng dân tộc, chống chế độ phong kiến. Lịch sử của châu Âu trong giai đọan này là lịch sử của đấu tranh cho tự do, nhân đạo, dân chủ, bình quyền xã hội.

Trong hoàn cảnh như vậy, nghệ thuật hình thành một dòng mới đó là CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN.

CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN: NỘI DUNG TƯ TƯỞNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHỆ THUẬT 

Cuộc đấu tranh cho những quan điểm dân chủ, tự do dân tộc là nội dung chính của lịch sử ở giai đoạn này đều được phản ánh rõ nét trong các tác phẩm của chủ nghĩa lãng mạn.

Xã hội của thế kỷ XIX, người nghệ sĩ lãng mạn cảm thấy đơn độc, khó hiểu, ở họ sinh ra những nỗi đau, sự bế tắc bi thảm, sự mỉa mai chua xót xen lẫn nỗi hoài nghi. Tuy nhiên, những ước mơ cao đẹp của con người vẫn chưa mất hết trong tâm hồn của người nghệ sĩ lãng mạn, họ đã tìm thấy những ước mơ của con người ở thế kỷ XIX về chủ nghĩa nhân đạo, về tự do, về luân lý và cả về vẻ đẹp tinh thần.

Sự giãi bày thế giới nội tâm của con người trước hết là thể hiện khuynh hướng tự do trong sáng tạo của cá nhân. Chủ nghĩa lãng mạn đề cao những yếu tố khác thường và sự chân thật trong thế giới tình cảm. Các chủ đề về tình yêu, nỗi cô đơn, nỗi buồn, những lý tưởng không đạt được, những suy nghĩ về cuộc sống, về cái chết và những ước mơ nhân đạo V..V... được sử dụng rộng rãi trong nghệ thuật lãng mạn. Cho nên chủ nghĩa lãng mạn làm phong phú cho nghệ thuật bằng những hình tượng và những chủ đề mới, mở rộng phạm vi tâm lý trữ tình mà trong những tác phẩm ở những thế kỷ trước không thấy hoặc trong một chừng mực nào đó không mang tính phổ biến hoặc được nhấn mạnh sâu sắc.

Trong các tác phẩm của chủ nghĩa lãng mạn, chủ đề trữ tình, đặc biệt là trữ tình thuộc lĩnh vực tình yêu đã tìm thấy khía cạnh đầy đủ nhất về thế giới nội tâm của nhân vật. Chủ đề này như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ các tác phẩm của chủ nghĩa lãng mạn, nó được bắt đầu trong những ca khúc của Schubert, đến những bản bản giao hưởng của Berlio và cả trong những vở nhạc kịch của Bizet.

Ngoài thế giới trữ tình, chủ nghĩa lãng mạn còn đề cập đến những chủ đề thuộc các phạm vi khác nữa. Bởi người nghệ sĩ lãng mạn còn là một công dân yêu nước, họ biết đau nỗi đau vì mất nước và ước mơ về một khát vọng tự do cho Tổ quốc yêu quý của mình. Từ những tình cảm trữ tình lãng mạn, trong họ dần hình thành những tình cảm mang tính chất xung đột, căng thẳng. Vì vậy trong các tác phẩm của họ còn chứa đựng cả những khía cạnh mang tính trữ tình, nổi loạn. Chính điều đó đã dẫn đến sự mở rộng phạm vi của của chủ đề, của hình tượng. Đó là những chủ đề liên quan cuộc đấu tranh của nhân dân, đến quá khứ anh hùng, đến các sự kiện và những chiến công anh dũng của nhân dân.

Như chúng ta đã biết thẩm mỹ của chủ nghĩa cổ điển đề cao sức mạnh của trí tuệ. Còn thẩm mỹ của chủ nghĩa lãng mạn là giải phóng khỏi những nguyên tắc của chủ nghĩa cổ điển. Chủ nghĩa lãng mạn đề cao thế giới tình cẫm, qua tình cảm để nói lên sự thật. Thế giới của cảm xúc ngự trị trong thẩm mỹ lãng mạn. Họ đề cao tình cảm hơn trí tuệ, thế giới tình cảm phong phú của con người luôn chiếm vị trí hàng đầu. Các nhà nghiên cứu cho rằng thẩm mỹ âm nhạc thế kỷ XIX là một trong những trang sử rực rỡ nhất của lịch sử thẩm mỹ.

Các nhà lãng mạn rất quan tâm đến tính dân tộc trong sáng tạo. Họ chú ý đến dân ca, dân vũ, các phong tục sinh hoạt đặc sắc của dân tộc mình. Tiêu biểu trong số đó là các nhạc sĩ như: Schubert, Chopin, Litz, Tchaikovsky...

Âm nhạc lãng mạn rất ưa dùng loại nhạc có tiêu đề(programme). Nguyên tắc tiêu đề có mối liên quan chặt chẽ với khuynh hướng làm cho âm nhạc gần với các loại hình nghệ thuật khác, tạo khả năng mới để phản ánh thực tế một cách sinh động hơn. Tính tiêu đề còn giúp cho sự trần thuật tư duy âm nhạc có tính tự do và rõ ràng hơn. Những thể loại âm nhạc có tính tiêu đề của các nhà lãng mạn đó là: Thơ giao hưởng, giao hưởng có tiêu đề... mà các nhạc sĩ tiêu biểu như: Litz, Berlioz, Schuman... là những người sáng tạo và cũng là những tác giả của những tác phẩm mang tính mẫu mực cho loại nhạc có tiêu đề.

Các yếu tố của hình thức âm nhạc như giai điệu, hòa âm, phối khí... có nhiều biến đổi trong sáng tác của các nhà lãng mạn. Trong hòa âm họ đề cao sự tương phản của màu sắc điệu tính, dùng phương pháp chuyển điệu đột ngột, dùng nhiều biến âm, vai trò công năng phụ được đề cao, tất cả nhằm miêu tả những tâm trạng tinh tế, sửng sốt, kỳ diệu...

Mặc dầu chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa cổ điển là hai phương pháp nghệ thuật điển hình cho hai thời đại khác nhau nhưng giữa chúng có môi quan hệ với nhau. Trong tác phẩm của các nhà lãng mạn như Schubert, Mendelssohn, Chopin... đã kế thừa và phát triển những đường nét của nghệ thuật cổ điển. Các nhà lãng mạn đã học tập được trong các tác phẩm của Beethoven về yếu tố tư tưởng sâu sắc trong cách thể hiện, đồng thời họ cũng đổi mới những truyền thống cổ điển. Beethoven thuộc trường phái cổ điển, những nguyên tắc cổ điển là cơ sở cho sự sáng tạo của ông. Tuy nhiên trước khi hình thành chủ nghĩa lãng mạn thì những tác phẩm cuối đời của Beethoven cũng đã thẫy xuất hiện những đường nét và khuynh hướng mới. Một số sáng tác ở giai đoạn cuối của ông, ngoài tính khái quát chung của chủ nghĩa cổ điển, nghệ thuật của Beethoven còn thể hiện thế giới cá nhân điển hình. Đó là bản giao hưởng No9 và một số bản Sonata thời ở kỳ cuối, đã thể hiện rõ niềm tin vào tư tưởng ánh sáng, ngoài ra còn chứa đựng cả tính triết học luân lý, tính tâm lý trữ tình, thế giới nội tâm phức tạp của con người, những ước mơ lãng mạn, niềm vui và những tình cảm thơ mộng.

Song song với các hoạt động dân chủ, với các sinh hoạt âm nhạc ở thành thị, với sự nẩy sinh các hình thức và thể loại âm nhạc, nghệ thuật biễu diễn của chủ nghĩa lãng mạn thế kỷ XIX cũng đạt đến một trình độ cao. Đó là một thời kỳ thịnh vượng của các danh ca nổi tiếng cũng như các danh cầm kiệt xuất như: Paganini, Chopin, Listz ...

Thế kỷ XIX với sự ra đời của chủ nghĩa lãng mạn đã đánh dấu một bước phát triển mới của lịch sử âm nhạc thế giới, ở thế kỷ này nghệ thuật âm nhạc không chỉ bó hẹp trong một vài quôc gia như trước đó (Ý, Áo, Đức) mà nó đã được phát triển ra các quốc gia khác ở châu Âu như: Pháp, Ba lan, Hung- ga- ri, Nga, Séc... 

 

Bài viết liên quan

NHẠC KỊCH THẾ KỶ XVIII
Tin tức âm nhạc

NHẠC KỊCH THẾ KỶ XVIII

Sang thế kỷ XVIII nhạc kịch phát triển theo những chiều hướng mới. So...
CHỦ NGHĨA CỔ ĐIỂN VIENNA
Tin tức âm nhạc

CHỦ NGHĨA CỔ ĐIỂN VIENNA

Vào thế kỷ XVIII nước Áo là một nước quân chủ phong kiến chuyên...
ÂM NHẠC TRONG THẾ KỶ XVII VÀ NỬA ĐẦU THẾ KỶ XVIII SỰ HÌNH THÀNH CỦA NỀN NHẠC KỊCH VÀ KHÍ NHẠC Ý
Tin tức âm nhạc

ÂM NHẠC TRONG THẾ KỶ XVII VÀ NỬA ĐẦU THẾ KỶ XVIII SỰ HÌNH THÀNH CỦA NỀN NHẠC KỊCH VÀ KHÍ NHẠC Ý

Lịch sử thế giới của thế kỷ XVII diễn ra với những cuộc đấu tranh giai cấp...
ÂM NHẠC THỜI PHỤC HƯNG (Thế kỷ XIV - XV - XVI)
Tin tức âm nhạc

ÂM NHẠC THỜI PHỤC HƯNG (Thế kỷ XIV - XV - XVI)

Mối quan hệ giữa nhạc sĩ và quần chúng đòi hỏi sự cấp thiết...
ÂM NHẠC THỜI TRUNG CỔ ( Thế kỷ V - XIII )
Tin tức âm nhạc

ÂM NHẠC THỜI TRUNG CỔ ( Thế kỷ V - XIII )

Lịch sử của thời trung cổ đó là lịch sử của chế độ phong kiến,...
NHỮNG NỀN ÂM NHẠC TIÊU BIỂU CỦA THỜI CỔ ĐẠI
Tin tức âm nhạc

NHỮNG NỀN ÂM NHẠC TIÊU BIỂU CỦA THỜI CỔ ĐẠI

Sau khi xã hội nguyên thủy tan rã, vào cuối thiên niên kỷ...
ÂM NHẠC THỜI NGUYÊN THỦY - CỔ ĐẠI
Tin tức âm nhạc

ÂM NHẠC THỜI NGUYÊN THỦY - CỔ ĐẠI

Việc tìm ra nguồn gốc âm nhạc so với các bộ môn nghệ thuật...