Tin tức âm nhạc

NHỮNG NỀN ÂM NHẠC TIÊU BIỂU CỦA THỜI CỔ ĐẠI

NHỮNG NỀN ÂM NHẠC TIÊU BIỂU CỦA THỜI CỔ ĐẠI

Sau khi xã hội nguyên thủy tan rã, vào cuối thiên niên kỷ thứ IV trước công nguyên xã hội loài người chuyển sang một thời kỳ mới - thời kỳ của chế độ chiếm hữu nô lệ. Xã hội bắt đầu với sự phân hóa giai cấp, xuất hiện người giàu và kẻ nghèo, giai cấp thống trị và giai cấp bị trị. Nhân loại chuyển sang một giai đoạn mới với sự phát triển cao hơn về mọi mặt. Một số nền văn minh được hình thành, các môn khoa học, triết học, kiến trúc, nghệ thuật... đạt được một số thành tựu đáng kể. Một số nước đã có hệ thống chữ viết lần đầu tiên xuất hiện. Nghệ thuật âm nhạc cũng có một số tiến bộ vượt bậc, khả năng biểu hiện của âm nhạcphong phú hơn, rộng rãi hơn, chuyển tải được những tư tưởng, hình tượng và những suy nghĩ, khát vọng của con người trong xã hội. Âm nhạc lúc này đã được tách ra từ toán học và được nhìn nhận như một bộ môn nghệ thuật. Tiêu biểu cho những nền âm nhạc phát triển lúc bấy giờ là một số quốc gia của phương Đông và phương Tây như: AiCập, Ấn Độ, Trung Quốc, Hylạp - La Mã...

1. ÂM NHẠC AI CẬP

Ai Cập được coi là một trong những nền văn minh xuất hiện sớm và rực rỡ nhất của nhân loại. Nền văn minh của Ai Cập bắt đầu từ 4000 năm trước công nguyên. Nói đến Ai Cập người ta nghĩ ngay đến những công trình kiến trúc của các đền đài nguy nga lộng lẫy, của những kim tự tháp sừng sững đứng giữa trời như cố ý thách thức vđi thời gian (Kim tự tháp lớn nhất là kim tự tháp Kêốp cao 146m với mỗi cạnh đáy dài 230m).

Ai Cập ở vùng đông bắc châu Phi, có dòng sông Nin chảy qua với độ dài 700km. Lịch sử của Ai Cập gắn liền với dòng sông này, như nhà sử học Hêrôđốt đã viết: “Ai Cập là tặng phẩm của sông Nin”.

Bên cạnh những thành tựu về kiến trúc, y học, thiên văn... thì thơ ca và âm nhạc cũng hưng thịnh. Điều đặc biệt là âm nhạc của Ai cập luôn gắn liến với nhảy múa và thơ ca. Nội dung chủ yếu là ca ngợi sự kính trọng các vị hoàng đế Pha-ra-ông và các thần linh, bên cạnh đó là thân phận của những người dân nô lệ cũng được đề cập đến. Cùng với những bài hát về lao động, sản xuất, đào kênh, đi biển, đóng thuyền... còn có những bài hát đả kích những thói hư tật xấu trong xã hội, mô tả sự phản kháng ách áp bức bóc lột và cả những sự bất công trong xã hội Ai Cập lúc bấy giờ.

Âm nhạc AiCập cổ đại gồm có: âm nhạc dân gian, âmnhạc chuyên nghiệp, âm nhạc nghi lễ tôn giáo(phục vụ trong các đền miếu) và âm nhạc trần tục phục vụ trong các lâu đài và cung điện. Chiếm ưu thế lúc này vẫn là các bài hát ngợi ca(bàiHim) các vị thần linh, và những người có quyền lực cao nhất. Trong cung đình đã có những dàn hợp xướng lớn và những đội nhạc để phục vụ cho các bữa yến tiệc và hội hè. Còn những cuộc hành quân của quân đội thì cũng có âm nhạc để dành riênh cho lực lượng này.

Người dân Ai Cập cũng đã sáng tạo ra nhiều loại nhạc cụ khá phong phú như đàn Hác-pơ hình cánh cung (là nhạc cụ “vua” của người AiCập), một số nhạc cụ hơi kiểu như Oboe, Clarinette, đàn Luth, trống, lục lạc...

2. ÂM NHẠC ẤN ĐỘ

Ấn Độ là một bán đảo hình tam giác, nằm ở phía nam châu Á nhưng hầu như ngăn cách với châu lục này bởi dải núi cao nhất thế giới - Himalaya - nên còn được gọi là một “tiểu lục địa”. Ấn Độ được chia làm hai miền Nam - Bắc. Những vùng đồng bằng rộng lớn ở phía bắc của Ấn Độ được tạo nên bởi hai con sông, đó là sông Hằng (Ganga) và sông Ấn (Indus). Sông Ấn (Indus) chính là cái nôi của văn minh Ấn Độ mà dân bản địa gọi là sông Sindhu. Nước láng giềng Iran phát âm là Hindu và người HiLạp gọi tên sông là Indus, và tên nước là India.

Ấn Độ là một trong những nước có nền văn minh vĩ đại từ thời cổ đại. Khoảng 3000 năm trước công nguyên, Ấn Độ đã bắt đầu hình thành chữ viết. Từ rất sớm người Ấn Độ đã biết chia lịch với một năm 12 tháng, mỗi tháng 30 ngày, mỗi ngày 30 giờ. Người Ấn Độ cũng đã sáng tạo ra 10 chữ số mà ngày nay chúng ta dùng rộng rãi trong toán học. Ấn Độ là quê hương của đạo Phật và đạo Bàlamôn - đạo Hinđu.Về văn học Ấn Độ có những tập kinh Vêđa là những bài Him chủ yếu nói về tôn giáo, và rất nhiều thông tin, kiến thức quan trọng khác lúc bấy giờ. Ngoài ra còn phải kể đến hai bộ sử thi đồ sộ là Mahabharata(gồm220.000 câu) và Ramayana(gồm 48.000 câu).

Về âm nhạc người Ấn Độ đã sáng tạo ra cách ghi nốt nhạc của mình theo chữ Phạn để đánh dấu đặt tên các âm như Xa là âm Do, Ri-Re, Ga-Mi... Hệ thống ghi nốt nhạc bao gồm các dòng kẻ, các nét gạch và các dấu chấm. Có một số dấu hiệu riêng về tiết tấu và sự trang hoàng ...

Vào thời kỳ này người Ấn Độ đã đánh giá cao vai trò thẩm mỹ và tác dụng của âm nhạc trong cuộc sống. Không chỉ con người mà cả động vật cũng chịu sự tác động của âm nhạc. Rất nhiều điệu nhạc và cả những câu thần chú được biễu diễn để chinh phục rắn và voi. Thậm chí âm nhạc nhiều khi còn bị cấm bởi họ cho là nguyên nhân gây ra các đám cháy. Người dân Ấn Độ tin rằng âm nhạc được sinh ra từ thần thánh.

Âm nhạc dân gian phản ánh trực tiếp cuộc sống hằng ngày của nhân dân Ấn Độ, với nhiều thể loại phong phú gắn liền với lao động và những cảm xúc của con người, nhưng vẫn không thiếu những chủ đề về triết học, đạo lý sâu sắc và anh hùng ca. Âm nhạc cung đình mang tính chất tượng trưng, qui ước, nghi lễ, nổi bật với sự lộng lẫy và kiểu cách. Những bài hát nghi lễ ca ngợi tôn giáo được biễu diễn trong các đình chùa, miếu mạo. Trong nền âm nhạc chuyên nghiệp đã có cả khí nhạc lẫn thanh nhạc.

Đặc trưng của âm nhạc Ấn Độ là âm nhạc một bè. Nhưng cũng đã phát hiện ra một số mầm mống của âm nhạc nhiều bè theo kiểu Bourdon. Mối quan hệ giữa âm nhạc và nhảy múa kết hợp với các động tác là một trong những nét điển hình nhất của âm nhạc Ấn Độ.

Tính độc đáo của âm nhạc nhạc Ấn Độ nổi lên ở giai điệu lẫn tiết tấu. Nó có nhiều loại giai điệu khác nhau - hát nói, nói nhanh và liên tục, loại êm đềm đầy sức biểu hiện, loại trang hoàng hoặc biến tấu. Tiết tấu thì lại rất phong phú, nhiều màu nhiều vẻ, với các đảo phách xen kẽ giữa nhịp hai phách và ba phách. Hệ thống địệu thức trong âm nhạc Ấn Độ gồm những điệu thức 7 bậc và 5 bậc, trong đó điệu thức 5 bậc là nền tảng (điệu thức 5bậc của Ấn Độ hoàn toàn khác với điệu thức ngũ cung của Trung Quốc). Hệ thống điệu thức 7 bậc được xây dựng trên những quãng đặc biệt chia quãng tám thành 22 phần không đều nhau, với tên gọi giống điệu thức 7 bậc của phương Tây: Sa, Ri, Ga, Ma,Pa,Đha,Ni.

Về nhạc khí thì ngay từ thời Bharata, người Ấn đã biết phân loại nhạc khí thành 4 họ mà phương Tây mới áp dụng vào đầu thế kỷ XX: dây, hơi, màng rung và toàn thân vang. Nhạc cụ hơi gồm có các loại sáo dọc và ngang, nhạc cụ gõ có trống, cồng, chũm chọe... các nhạc cụ dây là đàn Vi-na, Xi-ta (không có vĩ kéo), Ra-va-nát, Xa-răng-ga và Ra-báp(loại có vĩ kéo)...

3. ÂM NHẠC TRUNG QUỐC

Trung Quốc là một trong những trung tâm văn minh lớn của phương Đông cổ đại. Theo truyền thuyết, thời viễn cổ ở Trung Quốc có một vị thủ lĩnh mà đời sau thường nhắc đến đó là Phục Hy(tương truyền, Phục Hy là người đã chế ra cây đàn sắt 50 dây). Đến nữa đầu thiên niên kỷ thứ III(Tr.c.n) xuất hiện một thủ lĩnh bộ lạc gọi là Hoàng Đế.Vị Hoàng Đế này được coi là thủy tổ của người Trung Quốc(nhiều thành tựu về lý thuyết âm nhạc cũng được ra đời dưới thời Hoàng Đế). Tiếp theo dòng dõi của Hoàng Đế là những vị vua Nghiêu và Thuấn là những vị vua tốt nhất trong lịch sử Trung Quốc. Như vậy Trung Quốc đã có một nền văn minh xuất hiện từ những thiên niên kỷ thứ III - IV trước công nguyên. Chữ viết của Trung Quốc được xuất hiện từ đời Thương (TKXVI - XII trước CN). Tác phẩm văn học đầu tiên của Trung Quốc được sáng tác trong khoảng 500 năm đó là tập thơ ca Kinh Thi, xuất hiện khoảng thế kỷ VIII trước công nguyên. Thời đó, thơ cũng là lời của bài hát nên các vị vua thường sai các viên quan phụ trách về âm nhạc của triều đình sưu tầm thơ ca của các địa phương để phổ nhạc.

Người Trung Quốc có khát vọng khám phá ra bản chất của âm nhạc. Họ xác định âm nhạc có một mối liên hệ với cuộc sống xã hội, tư tưởng và tâm trạng con người. Vì thế âm nhạc được sử dụng trong đấu tranh giữa cái thiện và ác, giữa các khuynh hướng khác nhau trong triết học. Khổng Tử (551 - 479 TCN), một nhà triết học Trung Quốc thời cổ đại luôn đề cao vai trò của âm nhạc trong cuộc sống và xã hội. Ông cho rằng âm nhạc đóng vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục con người. Ông viết: “Lòng người cảm điều thiện thì do thiện thanh ứng, cảm điều ác thì ác thanh ứng. Sự thiện ác của nhạc là bởi lòng người mà sinh ra, rồi lại cảm lòng người mà khiến cho thành ra thiện hay ác”. Không những thế âm nhạc còn có tác động đến chính trị của một quốc gia, ông cho rằng: “Nhạc cũng như lễ, rất có ảnh hưởng về đường chính trị. Thanh âm chi đạo, dữ chính thông hỷ: đạo thanh âm thông với chính trị. Hễ chính trị hay thì nghe tiếng nhạc hay. Chính trị dở thì nghe tiếng nhạc dở”.

Các quan điểm thẩm mỹ âm nhạc của người Trung Quốc xác nhận mối quan hệ của âm nhạc với thiên nhiên và với những hiện tượng của vũ trụ. Những quy luật của âm nhạc được xem xét trong môi quan hệ với thiên văn học.

Âm nhạc Trung Quốc đã được tách riêng để dùng vào một vài lĩnh vực khác nhau với mục đích, tính cách và vị trí xã hội. Âm nhạc cung điện và đình chùa, miếu mạo nổi bật với tính chất trang trọng và nghi lễ. Đó là những bàiHim ca ngợi, tán dương, những điệu nhảy và cả những cảnh kịch câm. Chúng mang tính tượng trưng về tôn giáo và được phụ họa với khí nhạc. Dân ca đóng một vai trò quan trọng, rất nhiều bài phản ánh các sự kiện lịch sử về chiến tranh, các cuộc khởi nghĩa của nông dân. Có những bài vang lên sự phản đối, chống lại sự bất công và nói lên lòng căm thù bọn giàu có. Bên cạnh đó có những bài ca ngợi cuộc sống hằng ngày của người dân, là những bức tranh thơ mộng về thiên nhiên, xứ sở.

Âm nhạc Trung Quốc có một nét độc đáo được nhấn mạnh ở chỗ cơ sở điệu thức không có bán cung - điệu thức năm cung. Đến thế kỷ III trước công nguyên thêm vào hai bậc nữa nên có hàng âm bảy bậc. Ởthời kỳ này Trung Quốc đã khám phá ra được mối quan hệ toán học giữa các quãng 8 đúng, 5 đúng và 4 đúng. Trên cơ sở đó họ đã chế tạo ra một nhạc cụ - nhạc cụ Lui gồm 12 ống có độ dài khác nhau tạo nên 12 âm cromatic. Đó cũng là hệ thống 12 luật lữ được ra đời từ thời Hoàng Đế (2697 - 2597 TCN). Các nhà lý luận âm nhạc Trung Quốc xuất hiện sớm hơn nhiều so với các nhà lý luận âm nhạc châu Âu. Từ thế kỷ IV - V trước công nguyên, họ đã nghiên cứu và đề ra một số vấn đề về luật điều hòa âm thanh.

Về nhạc khí, ngoài cây đàn sắt do Phục Hy chế tạo từ thời cổ xưa còn có 124 nhạc khí được chia làm 8 chủng loại xuất hiện từ thời Chiến Quốc. Trong số đó có 32 khánh, 64 chuông và 1 chuông lớn - nhờ một kỷ thuật đúc đồng tinh xảo nên sau 2000 năm âm thanh vẫn còn vang tốt. Ngoài ra còn có các nhạc khí hơi (kèn, sáo) và các loại đàn dây như: thập lục, tam thập lục, nhị ...

4. ÂM NHẠC HY LẠP - LA MÃ

Lãnh thổ của Hy Lạp cổ đại bao gồm: miền Nam bán đảo Ban Căng, các đảo trên biển Egiê và miền ven biển phía Tây Tiểu Á, trong đó quan trọng nhất là miền Nam bán đảo Ban Căng tức là vùng lục địa Hy Lạp.

La Mã (Rôma) là tên của một quốc gia cổ đại mà nơi phát nguyên là ở bán đảo Ý (Italia). Đây là một bán đảo dài và hẹp ở Nam Âu hình chiếc ủng vươn ra Địa Trung Hải với diện tích 300.000 km2.

Hy Lạp và La Mã là hai quốc gia riêng biệt do các tộc người khác nhau lập nên. Đến thế kỷ II trước công nguyên, Hy Lạp mới bị La Mã chinh phục, nhưng trước đó rất lâu, La Mã đã tiếp thu nhiều thành tựu văn minh của Hy Lạp. Sau khi Hy Lạp bị nhập vào đế quốc La Mã, ảnh hưởng của văn minh Hy Lạp đối với La Mã càng mạnh mẽ hơn nữa. Nhà thơ La Mã Hôratiút đã nói: “Người Hy Lạp bị người La Mã chinh phục, những người bị chinh ấy lại chinh phục trở lại kẻ đi chinh phục mình. Văn học nghệ thuật Hy Lạp đã tràn sang đất Latinh hoang dã”. Vì vậy văn minh Hy Lạp và La Mã có cùng một phong cách và thường được gọi chung là văn minh Hy - La.

Lịch sử của nền văn minh Hy - La bắt đầu từ thiên niên kỷ thứ in trước công nguyên. Đây là một nền văn minh phát triển khá toàn diện và mỗi mặt đều có những thành tựu rực rỡ, trong đó quan trọng nhất là các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, kiến trúc, lịch sử, khoa học tự nhiên, triết học ...

Sẽ còn mãi với thời gian là những áng thơ ca bất hũ trong hai tập sử thi nổi tiếng của Homerè đó là: Iliat và Ôđixê (Iliat dài 15.683 câu, Ôđixê dài 12.110 câu). Đây không những là hai tác phẩm quan trọng trong kho tàng văn học thế giới mà còn là những tác phẩm có giá trị về lịch sử. Bên cạnh đó cần phải kể đến là những tác phẩm bi kịch nổi tiếng của Eschyle (525 - 426 TCN), Sophocle (497 - 406 TCN), Euripide (480 - 406 TCN). Nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và hội họa cũng không kém phần rực rỡ với các đền đài, cung điện, rạp hát, những pho tượng cổ, phù điêu, các bức bích họa... Trên lĩnh vực khoa học và triết học, Hy Lạp cũng đã công hiến cho nhân loại những tên tuổi kiệt xuất như: Pythagoras (580 - 500 TCN), Archimede (287 - 212 TCN), Euclid (330 - 275 TCN)... Các nhà triết học duy vật như: Démocrite (460 - 370 TCN), Epicure (341 - 270 TCN), triết học duy tâm: Platon (427 - 347 TCN), Arixtốt (384 - 322 TCN)... Có thể nói văn minh của Hy Lạp - La Mã là một trong những nền văn minh rực rỡ nhất của nhân loại thời cổ đại.

Âm nhạc đóng một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội và cá nhân của người dân Hy Lạp. Ở các trung tâm lớn (Aten,Xpac, Phiyơ...) âm nhạc đã trở thành một môn học đôi với toàn dân (trừ nô lệ), bởi nó có tác dụng giáo dục đạo đức cao đẹp và tinh thần thượng võ. Giữa các trung tâm này luôn tổ chức những buổi khoe tài đàn hát và những cuộc thi đấu thể thao có sự tham gia của âm nhạc. Trong các đêm biễu diễn bi kịch, âm nhạc cũng đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phụ họa các tình huống cho kịch. Người ta cho dựng hai sân khấu, một sân khâu dành cho kịch và một sân khấu dành cho các nhạc công được gọi là Orchestra (về sau gọi là dàn nhạc). Trên sân khấu này các nhạc công và diễn viên hát theo dõi tình huống của kịch để hát lên những bài hát có tính chất ngợi ca, phê phán hoặc diễn tả tâm trạng. Phần lớn hát đồng ca nhưng cũng có lúc hát đối đáp giữa đơn ca và đồng ca.

Âm nhạc HyLạp cổ đại về cơ bản là âm nhạc một bè (đồng ca), có giai điệu và lời thơ gắn bó rất chặt chẽ với nhau. Giai điệu tôn ý nghĩa của thơ và lời thơ dẫn dắt sự phát triển của giai điệu, do đó tiết tấu của thơ cũng là tiết tấu của giai điệu. (Người HyLạp cho rằng thơ và nhạc luôn là một thể thông nhất không thể tách rời nhau. Bởi vậy có một số nhà thơ và nhà viết kịch cũng là những nhà soạn nhạc như: Homerè, Eschyle, Sophoclo, Euripide...)

Nền dân ca của Hy Lạp cổ đại cũng rất phong phú, dựa vào hai bộ sử thi của Homerè là Iliat và Ođixê thì chúng ta có thể thấy dân ca ở thời kỳ này có đầy đủ các bài hát của những người thợ mộc, thợ quay tơ, thợ dệt vải, thợ gốm, thợ giặt và cả những người chèo thuyền, người chăn gia súc... Từ trong kho tàng dân gian này các nhà lý thuyết âm nhạc của Hy Lạp cổ đại đã đúc rút ra được những điệu thức để làm cơ sở cho công việc sáng tác lúc bấy giờ, đó là các điệu thức Đôri, Phiri, Liđi.

Âm nhạc chuyên nghiệp của Hy Lạp cổ đại trước hết phải kể đến đó là sự xuất hiện của các danh ca chuyên nghiệp A-et (Aoidós, có nghĩa là ca sĩ) và Ráp-xốt(Rhapsodos). Họ là những ca sĩ lang thang cất lên tiếng hát ngợi ca các vị anh hùng bất tử, ngợi ca quê hương. Đó là những bài Epich (Epikos - sử thi), lúc đầu còn mang tính ngâm vịnh, tự do, về sau giai điệu càng rõ rệt hơn để cuối cùng hình thành các bài Nơm (Nomos - qui luật). Người hát tự đệm đàn cho mình bằng đàn Phominh hoặc đàn Kipha. Thời kỳ này các A-et và Rap-xốt đặc biệt được mọi người hâm mộ và kính nể, họ được xếp vào hàng khách quý đối với tầng lớp bình dân và các vị thủ lĩnh.

Vào thế kỷ VII - VI trước công nguyên, xã hội Hy Lạp bắt đầu có sự phân chia giai cấp, có chủ nô và nô lệ, có người giàu, kẻ nghèo. Trong các tác phẩm nghệ thuật cũng đã xuất hiện các chủ đề mới: sự thù hằn và đấu tranh đẳng cấp, sự phục tùng quyền lực và cuộc sống giàu sang. Các A-et và Rap-xốt tuy vẫn tồn tại nhưng dần dần phải nhường chỗ cho một loại hình nghệ thuật mới đó là Lirich (Lirikos) - một loại hình nghệ thuật chuyên thể hiện thế giới nội tâm của con người bằng các bài đồng ca hay đơn ca.

Sự xuất hiện thể loại Lirich đã mở ra một con đường rộng rãi để từ đó các tài năng cá nhân là những nhà thơ, nhà soạn nhạc được phát triển. Nếu các bài hát Epich của các Aet và Rapxôt có tính chất sử thi và bi hùng thì các bài hát Lirich thiên về tính chất tâm tình và nội tâm, do đó dễ diễn đạt được các khía cạnh tinh vi hơn về tình yêu và cao xa hơn về triết lý. Bên cạnh đó vẫn có những bài hát Lirich mang tính chất ca ngợi, hiệu triệu và cả chiến đấu.

Các nhạc cụ được sử dụng trong sinh hoạt âm nhạc của người Hy Lạp cổ đại là: đàn Lia, đàn Kipha, kèn Avlôt và sáo nhiều ống Xirinh. Lúc đầu các nhạc cụ chỉ đệm cho hát. Trong khi đệm nhạc cụ thường đi đồng âm hoặc đi theo trục các âm nhưng cũng có khi được sử dụng ở hình thức thêu thùa biến hóa riêng. Tuy nhiên giữa bè hát và bè đệm cũng chỉ tạo thành những bè phân điệu chứ chưa mang tính chất của lối nhạc chủ điệu có hòa âm như chúng ta thường hiểu.

Về khoa học nghiên cứu âm nhạc của Hy Lạp cổ đại cũng đã đạt được những thành tựu rực rỡ có giá trị cho đến ngày nay. Đó là việc nghiên cứu rộng rãi học thuyết về điệu thức và đã đưa ra được một hệ thống điệu thức hoàn chỉnh, với các điệu thức: Đô-ri, Phi-ri và Li-đi. Qua các điệu thức này người dân HyLạp đã tạo nên cho âm nhạc của mình những tính chất đầy xúc cảm và đa cảm. Như điệu thức Đô-ri biểu hiện tinh thần sảng khoái và dũng cảm, điệu thức Li-đi được cộng nhận như một điệu thức trữ tình. Một thành quả quan trọng khác của bộ môn lý thuyết âm nhạc cổ đại đó là việc người Hy Lạp đã sáng tạo ra cách ghi nốt nhạc theo hệ thống chữ cái. Bên cạnh đó người HyLạp còn căn cứ vào những kết quả đo lường về âm học để định ra các quãng thuận và nghịch. Theo đó các quãng 8, 5 và 4 được công nhận là thuận; còn các quãng 3 và 6 bị coi là nghịch (đến đầu thế kỷ XVIII các quãng 3 và 6 mới được xem là thuận không hoàn toàn).

Ở thời kỳ này rất nhiều nhà khoa học của Hy Lạp đã có nhiều đóng góp cho âm nhạc, giữa họ cũng đã có những quan điểm khác nhau về thẩm mỹ trong âm nhạc. Nhiều khi những quan điểm đó đã nổ ra những cuộc tranh luận khá gay gắt, tiêu biểu là cuộc tranh luận giữa hai trường phái mà lịch sử gọi là phái Acmônich (Harmonikói- ưa sự hài hòa) của học giả A-ri-xtốc-xen (học trò của A-ri-xtốt) và phái Canonich (Kanonikói - tôn sùng luật lệ) của nhà triết học Platon. Phái của Arixtôt lấy cảm thụ nghệ thuật bằng thính giác làm tiêu chuẩn, còn phái của Platon thì dựa vào các công thức của con số trong toán học để đánh giá. Ngoài ra còn phải kể đến nhà toán học Pitago cũng đã có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu những con số của toán học để ứng dụng vào âm nhạc. Những nghiên cứu và những quan điểm của các nhà khoa học nói trên là những đóng góp rất lớn cho nền âm nhạc thời kỳ cổ đại tuy nhiên vẫn còn một số mặt hạn chế (Pitago và Platon đã nhầm lẫn trong việc tiếp thu chủ nghĩa thần bí khi nghiên cứu âm nhạc của các nước phương Đông bằng cách gán ghép cho âm thanh những con số máy móc trừu tượng), nhưng về thực tiễn họ đều là những người am hiểu sâu sắc bản chất tự nhiên của âm nhạc.

Người dân La Mã kế tục nền văn hóa của Ê-trút-xcơ, nền văn hóa này phát triển từ thế kỷ VII - VI trước công nguyên. Từ thế kỷ V trước công nguyên người La Mã chịu ảnh hưởng mạnh về khoa học, văn học nghệ thuật của Hy Lạp. Người dân La Mã có một nền âm nhạc độc đáo của mình. Đó là những bài hát và trò chơi cổ xưa về lao động, cuộc sống, chiến trận. Các bài hát được biễu diễn với phần phụ họa của kèn Ti-bi-a (Áp-lốt của Hy Lạp).

Âm nhạc đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống, xã hội của La Mã.Những người La Mã giàu sang thường có dàn nhạc riêng do những người nô lệ biễu diễn với các nhạc cụ khác nhau: đàn Ác-pa, Lia, Ki-ta, kèn Áp-lốt... Tuy nhiên những người giàu có thường lao vào những cuộc sống xa hoa, trác táng nên âm nhạc của họ chỉ phục vụ cho việc ăn chơi chứ không có vai trò thẩm mỹ cao đẹp như trước kia. Lúc này ở La Mã xuất hiện một loại hình mới đó là kịch câm, kịch câm được biễu diễn bằng tiếng Hy Lạp với dàn hợp xướng và sự phụ họa của kèn Áp-lốt, sáo Pan, Ki-ta, đàn Lia, chũm chọe... Nghệ thuật kịch câm của La Mã không có nội dung mà chỉ có trình độ lão luyện của nghệ thuật biễu diễn. Đây cũng là một loại hình phục vụ cho giai cấp chủ nô sắp suy tàn của đếquốc La Mã.

Về thẩm mỹ âm nhạc của người Hy Lạp, họ đã đề cao vai trò giáo dục của âm nhạc đối với con người. Học thuyết này vốn đã rất phát triển trong những nền văn hóa cổ xưa hơn (AiCập, Trung Hoa, Ấn Độ), tuy nhiên học thuyết của các nước phương Đông có phần mang nặng màu sắc thần bí. Các nước phương Đông đã đoán ra được những quy luật nhất định về sự phản ứng tình cảm của con người với các âm thanh của âm nhạc. Họ giải thích các quy luật ấy bằng cách cho các âm thanh của âm nhạc là biểu tượng của các vật chất trong vũ trụ có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của con người như: kim (kim loại), mộc (gỗ), thủy (nước), hỏa (lửa) và thổ (đất); hoặc cho rằng mối quan hệ giữa các âm thanh tượng trưng cho mối quan hệ giữa thần thánh với chúng sinh, giữa vua với tôi, cha và con, giữa người với người trong xã hội...

Âm nhạc của Hy Lạp cổ đại tuy bắt đầu có muộn màng hơn nhưng đã có những thành tựu hết sức rực rỡ và tiến bộ vượt bậc so với các nền văn minh âm nhạc khác. Với những bộ óc lỗi lạc của người Hy Lạp cổ đại họ đã biết chứng minh những quy luật về ảnh hưởng của âm nhạc đối với tình cảm con người, đặt cho những quy luật ấy một cơ sở triết học vững chắc, làm cho chúng có được một ý nghĩa xã hội lớn lao. Quan điểm đó chỉ ra rằng: hơn bất cứ môn nghệ thuật nào khác, âm nhạc có tác động mạnh mẽ tới tình cảm, tinh thần và đạo đức của con người. Mỗi nốt nhạc, mỗi hòa âm, mỗi tiết tấu đều có khả năng kích động, khơi dậy một loại trạng thái nào đó. Do vậy: âm nhạc là một công cụ hết sức hữu hiệu trong việc giáo dục thanh thiếu niên - điều mà không một nhà hoạt động xã hội hay một nhà sư phạm nào không quan tâm tới. Chính vì nhận ra được lợi khí đó nên Hy Lạp là một quốc gia cổ đại đầu tiên đã thực hiện được việc giáo dục âm nhạc phổ cập trong nhân dân.

Nền văn hóa cổ đại đóng một vai trò to lớn trong sự phát triển của nhân loại. Những nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà viết kịch... ở tất cả mọi thời đại đều hướng về nó. Họ đã tìm thấy những tư tưởng, những mẫu mực và cả những nguyên tắc về thẩm mỹ trong nền nghệ thuật phong phú và quý báu thời cổ đại. Cho đến hôm nay nền văn hóa cổ đại nói chung và âm nhạc cổ đại nói riêng vẫn còn nguyên những giá trị nhân văn cao đẹp của nó.

Bài viết liên quan

CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN THẾ KỶ XIX
Tin tức âm nhạc

CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN THẾ KỶ XIX

Sau cách mạng tư sán Pháp 1789, lịch sử các dân tộc ở châu...
NHẠC KỊCH THẾ KỶ XVIII
Tin tức âm nhạc

NHẠC KỊCH THẾ KỶ XVIII

Sang thế kỷ XVIII nhạc kịch phát triển theo những chiều hướng mới. So...
CHỦ NGHĨA CỔ ĐIỂN VIENNA
Tin tức âm nhạc

CHỦ NGHĨA CỔ ĐIỂN VIENNA

Vào thế kỷ XVIII nước Áo là một nước quân chủ phong kiến chuyên...
ÂM NHẠC TRONG THẾ KỶ XVII VÀ NỬA ĐẦU THẾ KỶ XVIII SỰ HÌNH THÀNH CỦA NỀN NHẠC KỊCH VÀ KHÍ NHẠC Ý
Tin tức âm nhạc

ÂM NHẠC TRONG THẾ KỶ XVII VÀ NỬA ĐẦU THẾ KỶ XVIII SỰ HÌNH THÀNH CỦA NỀN NHẠC KỊCH VÀ KHÍ NHẠC Ý

Lịch sử thế giới của thế kỷ XVII diễn ra với những cuộc đấu tranh giai cấp...
ÂM NHẠC THỜI PHỤC HƯNG (Thế kỷ XIV - XV - XVI)
Tin tức âm nhạc

ÂM NHẠC THỜI PHỤC HƯNG (Thế kỷ XIV - XV - XVI)

Mối quan hệ giữa nhạc sĩ và quần chúng đòi hỏi sự cấp thiết...
ÂM NHẠC THỜI TRUNG CỔ ( Thế kỷ V - XIII )
Tin tức âm nhạc

ÂM NHẠC THỜI TRUNG CỔ ( Thế kỷ V - XIII )

Lịch sử của thời trung cổ đó là lịch sử của chế độ phong kiến,...
ÂM NHẠC THỜI NGUYÊN THỦY - CỔ ĐẠI
Tin tức âm nhạc

ÂM NHẠC THỜI NGUYÊN THỦY - CỔ ĐẠI

Việc tìm ra nguồn gốc âm nhạc so với các bộ môn nghệ thuật...