Lịch Sử Nghệ thuật

NHỮNG NỀN ÂM NHẠC TIÊU BIỂU CỦA THỜI CỔ ĐẠI PHẦN 2

NHỮNG NỀN ÂM NHẠC TIÊU BIỂU CỦA THỜI CỔ ĐẠI PHẦN 2

4. ÂM NHẠC HY LẠP - LA MÃ

Lãnh thổ của Hy Lạp cổ đại bao gồm: miền Nam bán đảo Ban Căng, các đảo trên biển Egiê và miền ven biển phía Tây Tiểu Á, trong đó quan trọng nhất là miền Nam bán đảo Ban Căng tức là vùng lục địa Hy Lạp.

La Mã (Rôma) là tên của một quốc gia cổ đại mà nơi phát nguyên là ở bán đảo Ý (Italia). Đây là một bán đảo dài và hẹp ở Nam Âu hình chiếc ủng vươn ra Địa Trung Hải với diện tích 300.000 km2.

Hy Lạp và La Mã là hai quốc gia riêng biệt do các tộc người khác nhau lập nên. Đến thế kỷ II trước công nguyên, Hy Lạp mới bị La Mã chinh phục, nhưng trước đó rất lâu, La Mã đã tiếp thu nhiều thành tựu văn minh của Hy Lạp. Sau khi Hy Lạp bị nhập vào đế quốc La Mã, ảnh hưởng của văn minh Hy Lạp đối với La Mã càng mạnh mẽ hơn nữa. Nhà thơ La Mã Hôratiút đã nói: “Người Hy Lạp bị người La Mã chinh phục, những người bị chinh ấy lại chinh phục trở lại kẻ đi chinh phục mình. Văn học nghệ thuật Hy Lạp đã tràn sang đất Latinh hoang dã”. Vì vậy văn minh Hy Lạp và La Mã có cùng một phong cách và thường được gọi chung là văn minh Hy - La.

Lịch sử của nền văn minh Hy - La bắt đầu từ thiên niên kỷ thứ in trước công nguyên. Đây là một nền văn minh phát triển khá toàn diện và mỗi mặt đều có những thành tựu rực rỡ, trong đó quan trọng nhất là các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, kiến trúc, lịch sử, khoa học tự nhiên, triết học ...

Sẽ còn mãi với thời gian là những áng thơ ca bất hũ trong hai tập sử thi nổi tiếng của Homerè đó là: Iliat và Ôđixê (Iliat dài 15.683 câu, Ôđixê dài 12.110 câu). Đây không những là hai tác phẩm quan trọng trong kho tàng văn học thế giới mà còn là những tác phẩm có giá trị về lịch sử. Bên cạnh đó cần phải kể đến là những tác phẩm bi kịch nổi tiếng của Eschyle (525 - 426 TCN), Sophocle (497 - 406 TCN), Euripide (480 - 406 TCN). Nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và hội họa cũng không kém phần rực rỡ với các đền đài, cung điện, rạp hát, những pho tượng cổ, phù điêu, các bức bích họa... Trên lĩnh vực khoa học và triết học, Hy Lạp cũng đã công hiến cho nhân loại những tên tuổi kiệt xuất như: Pythagoras (580 - 500 TCN), Archimede (287 - 212 TCN), Euclid (330 - 275 TCN)... Các nhà triết học duy vật như: Démocrite (460 - 370 TCN), Epicure (341 - 270 TCN), triết học duy tâm: Platon (427 - 347 TCN), Arixtốt (384 - 322 TCN)... Có thể nói văn minh của Hy Lạp - La Mã là một trong những nền văn minh rực rỡ nhất của nhân loại thời cổ đại.

Âm nhạc đóng một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội và cá nhân của người dân Hy Lạp. Ở các trung tâm lớn (Aten,Xpac, Phiyơ...) âm nhạc đã trở thành một môn học đôi với toàn dân (trừ nô lệ), bởi nó có tác dụng giáo dục đạo đức cao đẹp và tinh thần thượng võ. Giữa các trung tâm này luôn tổ chức những buổi khoe tài đàn hát và những cuộc thi đấu thể thao có sự tham gia của âm nhạc. Trong các đêm biễu diễn bi kịch, âm nhạc cũng đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phụ họa các tình huống cho kịch. Người ta cho dựng hai sân khấu, một sân khâu dành cho kịch và một sân khấu dành cho các nhạc công được gọi là Orchestra (về sau gọi là dàn nhạc). Trên sân khấu này các nhạc công và diễn viên hát theo dõi tình huống của kịch để hát lên những bài hát có tính chất ngợi ca, phê phán hoặc diễn tả tâm trạng. Phần lớn hát đồng ca nhưng cũng có lúc hát đối đáp giữa đơn ca và đồng ca.

Âm nhạc HyLạp cổ đại về cơ bản là âm nhạc một bè (đồng ca), có giai điệu và lời thơ gắn bó rất chặt chẽ với nhau. Giai điệu tôn ý nghĩa của thơ và lời thơ dẫn dắt sự phát triển của giai điệu, do đó tiết tấu của thơ cũng là tiết tấu của giai điệu. (Người HyLạp cho rằng thơ và nhạc luôn là một thể thông nhất không thể tách rời nhau. Bởi vậy có một số nhà thơ và nhà viết kịch cũng là những nhà soạn nhạc như: Homerè, Eschyle, Sophoclo, Euripide...)

Nền dân ca của Hy Lạp cổ đại cũng rất phong phú, dựa vào hai bộ sử thi của Homerè là Iliat và Ođixê thì chúng ta có thể thấy dân ca ở thời kỳ này có đầy đủ các bài hát của những người thợ mộc, thợ quay tơ, thợ dệt vải, thợ gốm, thợ giặt và cả những người chèo thuyền, người chăn gia súc... Từ trong kho tàng dân gian này các nhà lý thuyết âm nhạc của Hy Lạp cổ đại đã đúc rút ra được những điệu thức để làm cơ sở cho công việc sáng tác lúc bấy giờ, đó là các điệu thức Đôri, Phiri, Liđi.

Âm nhạc chuyên nghiệp của Hy Lạp cổ đại trước hết phải kể đến đó là sự xuất hiện của các danh ca chuyên nghiệp A-et (Aoidós, có nghĩa là ca sĩ) và Ráp-xốt(Rhapsodos). Họ là những ca sĩ lang thang cất lên tiếng hát ngợi ca các vị anh hùng bất tử, ngợi ca quê hương. Đó là những bài Epich (Epikos - sử thi), lúc đầu còn mang tính ngâm vịnh, tự do, về sau giai điệu càng rõ rệt hơn để cuối cùng hình thành các bài Nơm (Nomos - qui luật). Người hát tự đệm đàn cho mình bằng đàn Phominh hoặc đàn Kipha. Thời kỳ này các A-et và Rap-xốt đặc biệt được mọi người hâm mộ và kính nể, họ được xếp vào hàng khách quý đối với tầng lớp bình dân và các vị thủ lĩnh.

Vào thế kỷ VII - VI trước công nguyên, xã hội Hy Lạp bắt đầu có sự phân chia giai cấp, có chủ nô và nô lệ, có người giàu, kẻ nghèo. Trong các tác phẩm nghệ thuật cũng đã xuất hiện các chủ đề mới: sự thù hằn và đấu tranh đẳng cấp, sự phục tùng quyền lực và cuộc sống giàu sang. Các A-et và Rap-xốt tuy vẫn tồn tại nhưng dần dần phải nhường chỗ cho một loại hình nghệ thuật mới đó là Lirich (Lirikos) - một loại hình nghệ thuật chuyên thể hiện thế giới nội tâm của con người bằng các bài đồng ca hay đơn ca.

Sự xuất hiện thể loại Lirich đã mở ra một con đường rộng rãi để từ đó các tài năng cá nhân là những nhà thơ, nhà soạn nhạc được phát triển. Nếu các bài hát Epich của các Aet và Rapxôt có tính chất sử thi và bi hùng thì các bài hát Lirich thiên về tính chất tâm tình và nội tâm, do đó dễ diễn đạt được các khía cạnh tinh vi hơn về tình yêu và cao xa hơn về triết lý. Bên cạnh đó vẫn có những bài hát Lirich mang tính chất ca ngợi, hiệu triệu và cả chiến đấu.

Các nhạc cụ được sử dụng trong sinh hoạt âm nhạc của người Hy Lạp cổ đại là: đàn Lia, đàn Kipha, kèn Avlôt và sáo nhiều ống Xirinh. Lúc đầu các nhạc cụ chỉ đệm cho hát. Trong khi đệm nhạc cụ thường đi đồng âm hoặc đi theo trục các âm nhưng cũng có khi được sử dụng ở hình thức thêu thùa biến hóa riêng. Tuy nhiên giữa bè hát và bè đệm cũng chỉ tạo thành những bè phân điệu chứ chưa mang tính chất của lối nhạc chủ điệu có hòa âm như chúng ta thường hiểu.

Về khoa học nghiên cứu âm nhạc của Hy Lạp cổ đại cũng đã đạt được những thành tựu rực rỡ có giá trị cho đến ngày nay. Đó là việc nghiên cứu rộng rãi học thuyết về điệu thức và đã đưa ra được một hệ thống điệu thức hoàn chỉnh, với các điệu thức: Đô-ri, Phi-ri và Li-đi. Qua các điệu thức này người dân HyLạp đã tạo nên cho âm nhạc của mình những tính chất đầy xúc cảm và đa cảm. Như điệu thức Đô-ri biểu hiện tinh thần sảng khoái và dũng cảm, điệu thức Li-đi được cộng nhận như một điệu thức trữ tình. Một thành quả quan trọng khác của bộ môn lý thuyết âm nhạc cổ đại đó là việc người Hy Lạp đã sáng tạo ra cách ghi nốt nhạc theo hệ thống chữ cái. Bên cạnh đó người HyLạp còn căn cứ vào những kết quả đo lường về âm học để định ra các quãng thuận và nghịch. Theo đó các quãng 8, 5 và 4 được công nhận là thuận; còn các quãng 3 và 6 bị coi là nghịch (đến đầu thế kỷ XVIII các quãng 3 và 6 mới được xem là thuận không hoàn toàn).

Ở thời kỳ này rất nhiều nhà khoa học của Hy Lạp đã có nhiều đóng góp cho âm nhạc, giữa họ cũng đã có những quan điểm khác nhau về thẩm mỹ trong âm nhạc. Nhiều khi những quan điểm đó đã nổ ra những cuộc tranh luận khá gay gắt, tiêu biểu là cuộc tranh luận giữa hai trường phái mà lịch sử gọi là phái Acmônich (Harmonikói- ưa sự hài hòa) của học giả A-ri-xtốc-xen (học trò của A-ri-xtốt) và phái Canonich (Kanonikói - tôn sùng luật lệ) của nhà triết học Platon. Phái của Arixtôt lấy cảm thụ nghệ thuật bằng thính giác làm tiêu chuẩn, còn phái của Platon thì dựa vào các công thức của con số trong toán học để đánh giá. Ngoài ra còn phải kể đến nhà toán học Pitago cũng đã có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu những con số của toán học để ứng dụng vào âm nhạc. Những nghiên cứu và những quan điểm của các nhà khoa học nói trên là những đóng góp rất lớn cho nền âm nhạc thời kỳ cổ đại tuy nhiên vẫn còn một số mặt hạn chế (Pitago và Platon đã nhầm lẫn trong việc tiếp thu chủ nghĩa thần bí khi nghiên cứu âm nhạc của các nước phương Đông bằng cách gán ghép cho âm thanh những con số máy móc trừu tượng), nhưng về thực tiễn họ đều là những người am hiểu sâu sắc bản chất tự nhiên của âm nhạc.

Người dân La Mã kế tục nền văn hóa của Ê-trút-xcơ, nền văn hóa này phát triển từ thế kỷ VII - VI trước công nguyên. Từ thế kỷ V trước công nguyên người La Mã chịu ảnh hưởng mạnh về khoa học, văn học nghệ thuật của Hy Lạp. Người dân La Mã có một nền âm nhạc độc đáo của mình. Đó là những bài hát và trò chơi cổ xưa về lao động, cuộc sống, chiến trận. Các bài hát được biễu diễn với phần phụ họa của kèn Ti-bi-a (Áp-lốt của Hy Lạp).

Âm nhạc đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống, xã hội của La Mã.Những người La Mã giàu sang thường có dàn nhạc riêng do những người nô lệ biễu diễn với các nhạc cụ khác nhau: đàn Ác-pa, Lia, Ki-ta, kèn Áp-lốt... Tuy nhiên những người giàu có thường lao vào những cuộc sống xa hoa, trác táng nên âm nhạc của họ chỉ phục vụ cho việc ăn chơi chứ không có vai trò thẩm mỹ cao đẹp như trước kia. Lúc này ở La Mã xuất hiện một loại hình mới đó là kịch câm, kịch câm được biễu diễn bằng tiếng Hy Lạp với dàn hợp xướng và sự phụ họa của kèn Áp-lốt, sáo Pan, Ki-ta, đàn Lia, chũm chọe... Nghệ thuật kịch câm của La Mã không có nội dung mà chỉ có trình độ lão luyện của nghệ thuật biễu diễn. Đây cũng là một loại hình phục vụ cho giai cấp chủ nô sắp suy tàn của đếquốc La Mã.

Về thẩm mỹ âm nhạc của người Hy Lạp, họ đã đề cao vai trò giáo dục của âm nhạc đối với con người. Học thuyết này vốn đã rất phát triển trong những nền văn hóa cổ xưa hơn (AiCập, Trung Hoa, Ấn Độ), tuy nhiên học thuyết của các nước phương Đông có phần mang nặng màu sắc thần bí. Các nước phương Đông đã đoán ra được những quy luật nhất định về sự phản ứng tình cảm của con người với các âm thanh của âm nhạc. Họ giải thích các quy luật ấy bằng cách cho các âm thanh của âm nhạc là biểu tượng của các vật chất trong vũ trụ có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của con người như: kim (kim loại), mộc (gỗ), thủy (nước), hỏa (lửa) và thổ (đất); hoặc cho rằng mối quan hệ giữa các âm thanh tượng trưng cho mối quan hệ giữa thần thánh với chúng sinh, giữa vua với tôi, cha và con, giữa người với người trong xã hội...

Âm nhạc của Hy Lạp cổ đại tuy bắt đầu có muộn màng hơn nhưng đã có những thành tựu hết sức rực rỡ và tiến bộ vượt bậc so với các nền văn minh âm nhạc khác. Với những bộ óc lỗi lạc của người Hy Lạp cổ đại họ đã biết chứng minh những quy luật về ảnh hưởng của âm nhạc đối với tình cảm con người, đặt cho những quy luật ấy một cơ sở triết học vững chắc, làm cho chúng có được một ý nghĩa xã hội lớn lao. Quan điểm đó chỉ ra rằng: hơn bất cứ môn nghệ thuật nào khác, âm nhạc có tác động mạnh mẽ tới tình cảm, tinh thần và đạo đức của con người. Mỗi nốt nhạc, mỗi hòa âm, mỗi tiết tấu đều có khả năng kích động, khơi dậy một loại trạng thái nào đó. Do vậy: âm nhạc là một công cụ hết sức hữu hiệu trong việc giáo dục thanh thiếu niên - điều mà không một nhà hoạt động xã hội hay một nhà sư phạm nào không quan tâm tới. Chính vì nhận ra được lợi khí đó nên Hy Lạp là một quốc gia cổ đại đầu tiên đã thực hiện được việc giáo dục âm nhạc phổ cập trong nhân dân.

Nền văn hóa cổ đại đóng một vai trò to lớn trong sự phát triển của nhân loại. Những nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà viết kịch... ở tất cả mọi thời đại đều hướng về nó. Họ đã tìm thấy những tư tưởng, những mẫu mực và cả những nguyên tắc về thẩm mỹ trong nền nghệ thuật phong phú và quý báu thời cổ đại. Cho đến hôm nay nền văn hóa cổ đại nói chung và âm nhạc cổ đại nói riêng vẫn còn nguyên những giá trị nhân văn cao đẹp của nó.

NHỮNG NỀN ÂM NHẠC TIÊU BIỂU CỦA THỜI CỔ ĐẠI PHẦN 1

Bài viết liên quan

CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN THẾ KỶ XIX
Lịch Sử Nghệ thuật

CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN THẾ KỶ XIX

Sau cách mạng tư sán Pháp 1789, lịch sử các dân tộc ở châu...
NHẠC KỊCH THẾ KỶ XVIII
Lịch Sử Nghệ thuật

NHẠC KỊCH THẾ KỶ XVIII

Sang thế kỷ XVIII nhạc kịch phát triển theo những chiều hướng mới. So...
CHỦ NGHĨA CỔ ĐIỂN VIENNA
Lịch Sử Nghệ thuật

CHỦ NGHĨA CỔ ĐIỂN VIENNA

Vào thế kỷ XVIII nước Áo là một nước quân chủ phong kiến chuyên...
ÂM NHẠC TRONG THẾ KỶ XVII VÀ NỬA ĐẦU THẾ KỶ XVIII SỰ HÌNH THÀNH CỦA NỀN NHẠC KỊCH VÀ KHÍ NHẠC Ý
Lịch Sử Nghệ thuật

ÂM NHẠC TRONG THẾ KỶ XVII VÀ NỬA ĐẦU THẾ KỶ XVIII SỰ HÌNH THÀNH CỦA NỀN NHẠC KỊCH VÀ KHÍ NHẠC Ý

Lịch sử thế giới của thế kỷ XVII diễn ra với những cuộc đấu tranh giai cấp...
ÂM NHẠC THỜI PHỤC HƯNG (Thế kỷ XIV - XV - XVI)
Lịch Sử Nghệ thuật

ÂM NHẠC THỜI PHỤC HƯNG (Thế kỷ XIV - XV - XVI)

Mối quan hệ giữa nhạc sĩ và quần chúng đòi hỏi sự cấp thiết...
ÂM NHẠC THỜI TRUNG CỔ ( Thế kỷ V - XIII )
Lịch Sử Nghệ thuật

ÂM NHẠC THỜI TRUNG CỔ ( Thế kỷ V - XIII )

Lịch sử của thời trung cổ đó là lịch sử của chế độ phong kiến,...
NHỮNG NỀN ÂM NHẠC TIÊU BIỂU CỦA THỜI CỔ ĐẠI
Lịch Sử Nghệ thuật

NHỮNG NỀN ÂM NHẠC TIÊU BIỂU CỦA THỜI CỔ ĐẠI

Sau khi xã hội nguyên thủy tan rã, vào cuối thiên niên kỷ thứ IV trước công nguyên...
ÂM NHẠC THỜI NGUYÊN THỦY - CỔ ĐẠI
Lịch Sử Nghệ thuật

ÂM NHẠC THỜI NGUYÊN THỦY - CỔ ĐẠI

Việc tìm ra nguồn gốc âm nhạc so với các bộ môn nghệ thuật...